Nông dân Hàn Quốc chật vật đối phó với tác động của COVID-19

Ông Koh Jin-taek rất tự hào khi đã gây dựng được một trang trại nhỏ nhưng ổn định ở Anseong, cách thủ đô Seoul 77 km về phía Nam. Trang trại này đã hoạt động trong suốt 20 năm qua với sản phẩm chính là rau diếp, rau diếp xoăn và nhiều loại rau khác.

Chú thích ảnh
Nhà kính trồng rau của trang trại gia đình ông Koh Jin-taek ở Ansong, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Hiện ông Koh Jin-taek đang quản lý 44 nhà kính trồng rau, có tấm phủ bằng nhựa vinyl, mỗi tháng cung cấp gần 10 tấn rau cho các công ty thực phẩm, với doanh thu hằng năm lên tới 800 triệu won (680.000 USD). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của ông chủ trang trại này khá tươi sáng cho đến khi COVID-19 xuất hiện, tấn công Hàn Quốc vào năm 2020, đẩy người đàn ông 53 tuổi này rơi vào cảnh bấp bênh, không biết liệu có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai.

Ông Koh Jin-taek chia sẻ để có thể hòa vốn và dư ra một khoản tiết kiệm, trang trại của ông cần phải bán được ít nhất 9 tấn rau mỗi tháng, song doanh số bán hàng trong tháng 9 chỉ là 4,8 tấn. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu lao động.

Đại dịch COVID-19 đã khiến số lượng lao động nhập cư ở Hàn Quốc giảm mạnh, qua đó khiến tiền lương của lao động nhập cư tăng. Trước đây, ông Koh Jin-taek thuê 9 lao động, nhưng COVID-19 đã khiến số nhân công làm việc cho trang trại của ông giảm xuống còn 5 người. Đáng ngại hơn, 4 người đã đột ngột xin nghỉ việc để làm chỗ khác có mức lương cao hơn. 

Hiện Hàn Quốc đang áp dụng 3 chương trình lao động cho người nước ngoài, theo đó, người lao động từ 16 nước châu Á được phép làm việc trong các lĩnh vực lao động chân tay đòi hỏi kỹ năng thấp, trong đó có đánh bắt cá, trồng trọt và sản xuất theo thị thực E-8, E-9 và C-4. Các chương trình này nhằm cung cấp cho nông dân địa phương nguồn lao động rẻ, nhưng lại cung cấp cho người lao động nước ngoài mức lương cao hơn so với cùng công việc làm ở quê nhà. Chính vì vậy, trong năm 2019, gần 9.000 lao động từ các nước châu Á đã được tuyển dụng qua chương trình này. Tuy nhiên, do việc siết chặt kiểm soát biên giới để phòng, chống COVID-19, số lao động nước ngoài đã giảm tới 82% còn 1.590 người trong 8 tháng đầu năm nay.

Giới chức Hàn Quốc cho biết tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư đang gây ra sự mất cân bằng cung - cầu về lao động nông nghiệp, dẫn đến chi phí thuê mướn nhân công tăng cao - từ mức 80.000 won/ngày công (khoảng 67 USD) lên 120.000 won/ngày (hơn 100 USD). Điều này là do ngành nông nghiệp Hàn Quốc hiện phụ thuộc nhiều nhất vào lao động nước ngoài. Thanh niên Hàn Quốc ngày càng tránh các công việc lao động chân tay, chẳng hạn như nông nghiệp và đánh cá, và có xu hướng chọn sống ở các thành phố có công việc được trả lương cao hơn. Trong khi đó, dân số làm nông nghiệp tại nước này đang già đi nhanh chóng. Năm 2020, những người trên 65 tuổi ở nước này chiếm tới 41,7% tổng số chủ hộ gia đình làm nông nghiệp, tăng 3,9% so với năm 2015. 

Chính vì vậy, dù rất đau lòng nhưng ông Koh Jin-taek đã phải phá bỏ 30 nhà kính trồng rau trong trang trại của mình vì thiếu nhân công thu hoạch. Ông cùng nhiều người khác cũng đang đề nghị nhà chức trách hỗ trợ để họ có thể thuê nhân công.

Ngọc Hà (TTXVN)
Hàn Quốc xúc tiến nối lại việc phát hành phiếu giảm giá thúc đẩy tiêu dùng 
Hàn Quốc xúc tiến nối lại việc phát hành phiếu giảm giá thúc đẩy tiêu dùng 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại cuộc họp rà soát chính sách ngày 15/10, Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Lee Eog-weon cho biết sẽ thảo luận chặt chẽ với Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) xem xét nối lại chính sách về phiếu giảm giá thúc đẩy tiêu dùng bị tạm dừng trong thời gian qua, chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ chế phòng dịch, khôi phục các lĩnh vực bị thiệt hại lớn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN