Theo trang The Guardian (Anh), kulhads là tách đựng trà nhỏ có màu đất nung, không sơn, không tráng men và không có tay cầm. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường. Đây cũng là lý do khiến Bộ trưởng Đường sắt của nước này, ông Piyush Goyal, quyết định thay thế sử dụng cốc nhựa bằng tách trà đất nung, hướng đến mục tiêu giúp quốc gia Nam Á không còn nhựa dùng một lần.
“Kulhads không chỉ giúp giảm thiểu việc sử dụng nhựa độc hại và bảo vệ môi trường, nó còn mang lại việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn thợ gốm ở nhiều địa phương”, ông Goyal nói và cho biết trà đựng trong kulhads thơm ngon hơn đựng trong các loại dụng cụ thông thường.
Không chỉ ông Goyal, nhiều người dân Ấn Độ cũng nhớ lại ký ức đứng trên sân ga vào mùa đông, tay cầm một tách trà nóng. Họ cho rằng vị trà ngon hơn do hòa quyện với mùi thơm của đất sét.
Đây không phải là lần đầu Ấn Độ đưa kulhads quay trở lại cuộc sống của người dân. Người tiền nhiệm của Goyal, ông Lalu Prasad Yadav, cũng đã nỗ lực khôi phục kulhads truyền thống vào 16 năm trước. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công và cốc nhựa tiếp tục “thống trị” thị trường. Dù vậy, tại một số nhà ga ở những nơi như thánh địa Varanasi, người ta vẫn có thể nhìn thấy những tách trà truyền thống.
Nhà chức trách cho biết kế hoạch hiện tại của họ là làm cho kulhads trở nên phổ biến. Ban đầu, họ sẽ phục vụ kulhads trên tàu lửa và sân ga. Trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, cốc trà truyền thống còn có thêm một lợi thế, đó là rất hợp vệ sinh vì được nung ở nhiệt độ cao và hiếm khi được tái sử dụng.
Ấn Độ có truyền thống làm gốm phong phú. Hầu như ngôi làng nào cũng có thợ gốm. Mặc dù nhu cầu sử dụng những sản phẩm này ngày càng giảm do xu hướng người Ấn Độ chuyển sang sử dụng đồ nhựa thép và melamine gia tăng, nhưng một chiếc ấm đựng nước bằng đất vẫn là một nét đặc trưng của làng quê Ấn Độ.
Trong lễ hội ánh sáng Diwali của người Hindu, người dân đa phần sử dụng đèn đất sét để thay thế đèn dầu. Vào những dịp đặc biệt, nhiều món tráng miệng cũng được phục vụ trong những dụng cụ bằng đất tương tự.
Trước đại dịch COVID-19, trung bình có khoảng 23 triệu người Ấn Độ đi lại bằng tàu lửa mỗi ngày, vì vậy sẽ cần một số lượng kulhads lớn. Chính trị gia, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Jaya Jaitly, cho rằng điều này có thể tạo ra thu nhập cho 2 triệu thợ gốm. Bà Jaitly đang nỗ lực đưa kulhads phục vụ ngành đường sắt và cho biết điều đầu tiên mà họ cần làm là từ bỏ tiêu chuẩn hóa hình dạng và kích thước của những tách trà này.
Bà cho rằng đây là lý do khiến chính sách tương tự vào đầu những năm 1990 thất bại. Do chất liệu đất sét ở mỗi khu vực khác nhau và sản phẩm được làm thủ công, nên thợ gốm không thể sản xuất những tách trà đúng hình dạng và kích thước như quy trình công nghiệp.
Kế hoạch này cũng sẽ chỉ khả thi nếu chính phủ đảm bảo rằng mọi vấn đề được phối hợp nhịp nhàng. Thợ gốm có thể khai thác đất sét đang ngày càng thiếu hụt tại các khu vực đắc địa ven sông, kênh thủy lợi và các nguồn nước. Đồng thời, phương tiện giao thông địa phương có thể được sử dụng để đưa kulhads đến từng ga và điều đó cũng có thể cung cấp thêm việc làm cho nhiều người dân.
Ủy ban Công nghiệp làng nghề Ấn Độ đã bắt đầu cung cấp 20.000 bàn xoay làm gốm bằng điện và những thiết bị khác cho hơn 100.000 thợ gốm.
“Những chiếc bàn xoay này có thể sản xuất 2 triệu chiếc kulhads mỗi ngày. Việc áp dụng sản xuất bằng máy móc sẽ tăng sản lượng lên ít nhất 4 -5 lần. Thu nhập trung bình của một thợ gốm cũng sẽ tăng từ 33 USD lên 135 USD/tháng”, Chủ tịch Ủy ban, bà Vinai Kumar Saxena, cho biết.
Tại một khu dân cư ở Delhi, thợ gốm Kanta Ram ngồi bên những sản phẩm của mình chờ đợi khách đến mua hàng. Diwali thường là một thời điểm tốt để kinh doanh, khi nhiều người Ấn Độ thắp sáng ngôi nhà của họ bằng diyas (đèn đất sét).
Cô có thể dễ dàng bán hàng trăm chiếc đèn này trong một ngày. Tuy nhiên, đại dịch buộc lễ hội phải thu hẹp và cô đang phải vật lộn với việc kinh doanh. Mặt hàng bán chạy nhất giờ là những chiếc chậu hoa. Còn kulhads dù chỉ được bán với giá 5 rupee/chiếc nhưng không có nhiều người mua.