Olympic mùa Đông Bắc Kinh
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Bắc Kinh sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới tổ chức cả thế vận hội mùa Hè và mùa Đông khi Olympic mùa Đông khai mạc vào tháng 2 tới.
Tuy nhiên, Olympic mùa Đông hoàn toàn khác biệt với Olympic mùa Hè 2008 bởi sự kiện này được tổ chức ở thời điểm dịch COVID-19 vẫn chưa yên. Tất cả các đoàn thể thao khi đến Trung Quốc đều phải cách ly, đảm bảo đã tiêm vaccine COVID-19 và được giám sát chặt chẽ để phòng dịch. Khán giả đến theo dõi các trận đấu cũng chỉ có công dân Trung Quốc.
Nhưng không chỉ có dịch COVID-19, vấn đề chính trị cũng ảnh hưởng tới Olympic mùa Đông Bắc Kinh khi Mỹ và một số nước đã tuyên bố không cử đoàn đại biểu đến dự sự kiện.
Năm thứ ba của chiến lược “Zero Covid”
Những câu hỏi về tính bền vững của chiến thuật “Zero Covid”- mục tiêu đưa số ca nhiễm mới về con số 0- vẫn còn tồn tại đến hôm nay.
Đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi. Thành phố Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc với 13 triệu dân đã có trên 10 ngày phong tỏa để kiểm soát ổ dịch lớn nhất trong cộng đồng ở nước này kể từ thời kỳ Vũ Hán vào đầu năm 2020.
Trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện nhiều lời kêu cứu từ người dân Tây An do thiếu thực phẩm và nhiều nguồn cung cần thiết khác. Việc tiếp cận dịch vụ y tế cũng chịu tác động khi một sinh viên cho biết có đến 6 bệnh viện từ chối điều trị cho cô khi cô bị sốt.
Đối với nhiều người dân Trung Quốc, lần phong tỏa mới nhất tại Tây An này đã đem về những kỷ niệm buồn về những ngày đầu đại dịch.
Cơn đau đầu cho nền kinh tế
Năm 2022 dự kiến mang lại nhiều thách thức cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang phải đối đầu với nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2022, từ dịch COVID-19 tái bùng phát cho đến gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng bất động sản.
Nhiều ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 xuống chỉ còn trong khoảng 4,9-5,5%, đây được coi là mức tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1990.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thể hiện xu hướng tập trung hơn vào vấn đề nội địa thay vì thạm vọng lớn tầm quốc tế. Ông đã không rời Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và Bắc Kinh vẫn đang đẩy mạnh chiến thuật “Zero Covid”.
Trung Quốc và thế giới
Trong những ngày đầu của dịch COVID-19, Bắc Kinh đã gửi khẩu trang, thiết bị y tế đến nhiều quốc gia đồng thời cam kết đưa vaccine do nước này sản xuất thành sản phẩm toàn cầu. Nhưng động thái này của Trung Quốc nhằm tạo hình ảnh dường như đã không mang lại kết quả như nước này mong muốn.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), quan điểm không mấy tích cực về Trung Quốc đã tăng mạnh trong nhóm những nước phát triển. Phần lớn trong 17 quốc gia Pew thực hiện khảo sát đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc như ở Nhật Bản là 88% người được hỏi mang quan điểm này, tại Thụy Điển là 80%, Australia là 78%, Hàn Quốc là 77% và Mỹ là 76%.
Trong năm 2021, mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ thêm phần xấu đi với nhiều căng thẳng leo thang. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn với những đối tác cùng quan điểm ở châu Âu, Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia đánh giá nỗ lực này sẽ gia tăng trong năm 2022.