Những sáng kiến giúp ngành hàng không thế giới vượt khó trong đại dịch

Từ việc cung cấp suất ăn trên máy bay cho người dân sinh sống gần khu vực sân bay đến rao bán các sản phẩm trên máy bay, đại dịch COVID-19 đã khơi dậy những nỗ lực sáng tạo giúp các hãng hàng không lớn bù đắp dù chỉ là chút ít cho những thiệt hại về thu nhập khi không bán được vé.

Chú thích ảnh
Nhân viên nhà bếp trong đơn vị phục vụ đồ ăn của Cathay Pacific chuẩn bị suất ăn tại sân bay quốc tế Chek Lap Kok. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một vài tuần trở lại đây, hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu dịch vụ giao suất ăn trên máy bay tới tận nhà những hộ dân sinh sống tại khu vực Tung Chung gần sân bay quốc tế Hong Kong.

Trước đây, đội phục vụ của Cathay Pacific phải chuẩn bị 83.000 suất ăn cho hành khách trên tổng số 293 chuyến bay mỗi ngày. Tuy nhiên giờ đây, một ngày hãng hàng không này chỉ có khoảng vài chục chuyến bay hoạt động. Số lượng khách trung bình trên mỗi chuyến bay trong tháng 8 chỉ có 22 người.

Suất ăn trên máy bay ban đầu chỉ định phục vụ cho nhân viên sân bay, song sau đó mở rộng ra quận Tung Chung lân cận tới các hộ dân.

“Chúng tôi biết rằng nhiều người làm việc trong khu vực sân bay muốn mua suất ăn trưa hoặc ăn tối mang đi để duy trì giãn cách xã hội. Chúng tôi cũng đang triển khai dịch vụ phục vụ tận nhà cho những người sống ở gần sân bay và quận Tung Chung”, nữ phát ngôn viên của Cathay Pacific cho hay.

Một công ty sản xuất bữa ăn cho các hãng hàng không là Gate Gourmet cũng triển khai chính sách tương tự để bếp ăn có thể tiếp tục hoạt động.

Anh Wong Hei-shun – nhân viên làm việc tại sân bay Hong Kong – cho biết suất ăn cơm gà cà ri 5 USD mà anh đặt của Cathay Pacific hợp lý hơn so với các cửa hàng bán đồ ăn nhanh địa phương. Tuy nhiên, anh nói thêm chất lượng đồ được mang đến vẫn chưa bằng chất lượng của bữa ăn thực sự trên chuyến bay.

Bên cạnh vận chuyển các suất ăn, Cathay Pacific còn rao bán trực tuyến sản phẩm dùng trên máy bay để thúc đẩy doanh số thương mại điện tử của tập đoàn. Với tham vọng trở thành một “Amazon” của ngành hàng không, trang mua sắm trực tuyến của Cathay Pacific còn tung ra các ưu đãi như cơ hội nhận được Apple MacBook nếu khách tích lũy được 360.000 km đường bay.

Chú thích ảnh
Nhà hàng bài trí theo chủ đề máy bay mới khai trương tại Thái Lan. Ảnh: AP

Tại Thái Lan, tháng này, hãng hàng không Thai Airways đã khai trương một nhà hàng trang trí theo chủ đề máy bay. Để mang lại trải nghiệm như thực, Thai Airways còn bố trí ghế ngồi trong nhà hàng là ghế máy bay, nhân viên phục vụ là tiếp viên hàng không.

Trong khi đó, hãng hàng không Qantas đưa ra một “gói chăm sóc” hấp dẫn với giá chỉ 18 USD dành cho khách hàng, bao gồm bộ đồ ngủ hạng thương gia, một bộ mỹ phẩm cá nhân và một số đồ ăn nhẹ trên chuyến bay. Gói chăm sóc đã bán hết veo chỉ trong một vài giờ đồng hồ. Không chỉ vậy, hãng hàng không này còn giới thiệu các chuyến bay qua Nam Cực kéo dài 14 tiếng đồng hồ với giá chưa đầy 900 USD.

Tại Anh, ban điều hành hãng hàng không British Airways nghĩ tới sáng kiến nhắm đến những người yêu nghệ thuật. Hồi tháng 7, hãng hàng không này đã trưng bày 17 tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao trong phòng chờ sân bay và trụ sở chính. Kết quả là họ thu về 2,8 triệu USD từ việc bán các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Bridget Riley và Damien Hirst.

Với tình cảnh biên giới giữa các nước đóng cửa, các chuyến bay “không có điểm đến” cũng trở nên phổ biến hơn. Tháng trước, các hãng hàng không Đài Loan (Trung Quốc) cho phép hoạt động trở lại các chuyến bay vòng quanh đảo. 

Cùng thời điểm, hãng hàng không All Nippon của Nhật Bản cũng ra mắt chuyến bay “không điểm đến” theo chủ đề Hawaii trên chiếc Airbus A380 để phục vụ du khách thèm bay. Kết quả là có tới ít nhất 330 hành khách sẵn sàng trả từ 129 USD đến 470 USD chỉ để lên một chuyến bay lượn vòng vòng trên trời trong 90 phút. Trên chuyến bay, du khách sẽ được phục vụ như mình đang tận hưởng nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng tại Hawaii.

Chú thích ảnh
Hành khách trên chuyến bay đặc biệt được nhận quà lưu niệm của hãng hàng không All Nippon. Ảnh: ANA

Simon Lee Siu-po, giảng viên cấp cao khoa kinh doanh của Đại học Trung Hoa, cho biết đại dịch COVID-19 đã buộc các hãng hàng không động não và tìm ra những phương thức khác để kiếm tiền. “Khi bạn so sánh với nhà bán lẻ, một hãng hàng không có nhiều doanh thu tiềm năng hơn... nó giống như một trung tâm mua sắm trên bầu trời vậy. Việc đa dạng hóa và khai thác các kênh mới về doanh thu là cần thiết trong lâu dài”, giảng viên Lee kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tổng thống Trump có thể đơn phương hành động để cứu việc làm ngành hàng không Mỹ
Tổng thống Trump có thể đơn phương hành động để cứu việc làm ngành hàng không Mỹ

Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows ngày 26/8 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc sử dụng quyền hành pháp để tránh tình trạng cắt giảm việc làm hàng loạt trong ngành hàng không Mỹ, nếu Quốc hội nước này không thể thông qua gói kích thích mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN