Những quyết định đáng chú ý của Washington được Moskva coi là 'tin tuyệt vời'

Chỉ trong chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hàng loạt động thái mà các nhà phân tích cho rằng đang có lợi cho Moskva cũng như sẽ tác động đáng kể đối với quan hệ Mỹ - Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Một trong những quyết định đầu tiên gây chú ý của Tổng thống Trump là sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Theo đó, sau khi tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh trừng phạt ICC, cáo buộc tòa án này có "hành động bất hợp pháp và vô căn cứ" chống lại Mỹ và Israel. Quyết định trên đưa ra sau khi ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel vào tháng 5/2024 liên quan đến cuộc chiến ở Dải Gaza.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump có thể dẫn đến những hạn chế tài chính và thị thực đối với bất kỳ các bên hỗ trợ các cuộc điều tra của ICC nhắm vào công dân Mỹ hoặc các đồng minh. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ICC và 79 bên tham gia ký kết, cho rằng nó có thể làm suy yếu luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Điện Kremlin lại xem đây là "tin tuyệt vời", theo một quan chức cấp cao của Nga được tờ Thời báo Moskva trích dẫn.

Một nhà ngoại giao Nga giấu tên nhận định với Thời báo Moskva rằng quyết định của Tổng thống Trump là "một món quà dành cho Moskva". Ông cho rằng điều này giúp Tổng thống Putin và các cơ quan an ninh của Nga linh hoạt hơn trong các kế hoạch công du, đặc biệt sau khi ICC ban hành lệnh bắt giữ ông Putin và đại diện của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova vì cáo buộc trục xuất trẻ em Ukraine bất hợp pháp. Ngay sau lệnh bắt giữ trên của ICC này, Tổng thống Putin đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 tại Nam Phi – một quốc gia đã ký kết Hiệp ước Rome, quy định quyền hạn của ICC.

Sự thay đổi trong chính sách trừng phạt của Bộ Tư pháp Mỹ

Ngoài sắc lệnh liên quan đến ICC, Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi cũng ban hành hàng loạt bản ghi nhớ có thể tác động đến Nga. Một trong số đó là quyết định giải tán Lực lượng đặc nhiệm KleptoCapture – sáng kiến dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm trừng phạt các nhà tài phiệt có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin và tịch thu tài sản của họ. Lực lượng đặc nhiệm KleptoCapture vẫn sẽ điều tra các vụ án, nhưng không còn tập trung tại trụ sở Bộ Tư pháp. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà tài phiệt Nga có thể sẽ ít bị nhắm mục tiêu hơn trong tương lai. Tuy nhiên, lý giải cho bước đi trên, bà Bondi cho biết chính sách trừng phạt Nga sẽ được chuyển hướng sang chống lại các tổ chức tội phạm.

Một chỉ thị khác của Bộ trưởng Tư pháp Bondi cũng gây tranh cãi khi ngăn chặn các nỗ lực thực thi luật pháp liên bang nhằm đối phó với các chiến dịch gây ảnh hưởng từ Nga và Trung Quốc. Điều này được nhận định là có thể tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài tiếp tục can thiệp vào nền chính trị Mỹ.

Những bước đi tiếp theo của chính quyền Tổng thống Trump

Dù các quyết sách của Tổng thống Trump dường như đang có lợi cho Nga, nhưng không phải tất cả đều là tin tốt với Moskva. Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine, tướng về hưu Keith Kellogg, nhấn mạnh rằng Washington có thể tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga để gây áp lực lên Putin trong vấn đề Ukraine.

Ông nói thêm rằng Nga có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhằm buộc Tổng thống Putin ngồi vào bàn đàm phán. Ông nói với tờ The New York Post rằng các biện pháp hiện tại vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn và vẫn còn dư địa để gia tăng sức ép lên Moskva. Điều này cho thấy chính quyền của ông Trump vẫn đang cân nhắc các biện pháp tiếp theo đối với Moskva, dù hiện tại nhiều chính sách của ông được xem là mềm mỏng hơn với Nga so với chính quyền tiền nhiệm.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào Mỹ sẽ công bố danh sách những cá nhân bị trừng phạt theo sắc lệnh của Trump, cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với động thái này sẽ ảnh hưởng ra sao đến cục diện chính trị toàn cầu.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Newsweek)
Ông Trump sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine và để châu Âu đảm bảo an ninh cho Kiev
Ông Trump sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine và để châu Âu đảm bảo an ninh cho Kiev

Theo tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz trong một cuộc phỏng vấn với NBC, tuần này, Mỹ sẽ thảo luận về cách chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các đảm bảo an ninh sẽ do châu Âu chịu trách nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN