Tại Đan Mạch, vào đêm 31/12, người dân nước này thường ném những chiếc đĩa và kính cũ vào cửa nhà người thân và bạn bè với mong muốn xua đuổi những điều xui xẻo trong năm cũ. Người Đan Mạch quan niệm rằng người nhận được càng nhiều đồ sành sứ vỡ trước hiên nhà sẽ càng nhận được nhiều may mắn và chứng tỏ có nhiều bạn bè yêu quý. Do đó, vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, khi mở cửa nhà và nhìn thấy đống bát đĩa vỡ, gia chủ vui vẻ và thích thú vì đó là dấu hiệu của một năm mới may mắn.
Trong khi đó, tại Italy, ném đồ cũ ra ngoài cửa sổ vào thời khắc Giao thừa là cách mà người dân "đất nước hình chiếc ủng" thực hiện để tiễn những điều xui xẻo của năm cũ. Ném đồ cũ đi đồng nghĩa sẵn sàng chào đón năm mới với những điều mới mẻ. Đồng thời khi những món đồ cũ được ném đi, năm mới gia đình sẽ có những món đồ mới. Ngoài phong tục này, người Italy vẫn giữ truyền thống vào ngày đầu tiên của năm mới, người dân và du khách tụ tập ở cầu Cavor nhảy xuống sông Tiber. Tập tục này có từ năm 1946 với niềm tin rằng những ai đủ dũng cảm nhảy xuống sẽ gặp nhiều may mắn và thành công trong năm mới.
Tại Thụy Sĩ, người dân có phong tục ném kem xuống sàn nhà khi tiếng chuông báo hiệu năm mới vang lên, tượng trưng cho sự dồi dào, tràn đầy, một năm mới may mắn, sung túc.
Ở một quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha, người dân quan niệm khi đồng hồ điểm 0h, đánh dấu thời khắc bước sang năm mới, nếu một người lần lượt ăn hết 12 quả nho sau 12 tiếng chuông ngân vang đại diện cho 12 tháng, họ có thể gặp may mắn trong năm mới. Phong tục này có từ thế kỷ trước. Tuy nguồn gốc chính xác của phong tục này hiện vẫn gây tranh cãi, nhưng theo một truyền thuyết, những người nông dân ở Alicante có vụ mùa bội thu năm 1909 nên họ đã nghĩ ra cách sáng tạo này để bán được nhiều nho.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, vào đêm cuối cùng của năm cũ, người thân thường tặng nhau kẹo và bánh. Trong đó, bánh đêm giao thừa bao giờ cũng kèm hạt dẻ để cầu mong gặp may mắn trong năm mới. Ngoài ra, để cầu chúc cho một năm mới an lành và thịnh vượng, người ta không khóa cửa nhà và rắc muối ở lối vào nhà ngay khi đồng hồ điểm sang thời khắc đầu tiên của năm mới.
Trong khi đó, người Hy Lạp có phong tục treo một củ hành tây trước cửa chính ngôi nhà của họ vào dịp năm mới như một biểu tượng của sự tái sinh. Vào buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, bố mẹ sẽ gọi các con thức giấc bằng cách gõ nhẹ củ hành tây vào đầu trẻ.
Giống như ở một số nước châu Á, người dân Anh cũng có phong tục "xông đất", tin rằng vị khách nam giới đầu tiên đến nhà sau Giao thừa sẽ đem lại may mắn cho gia chủ. Khi đến thăm, người khách này sẽ mang một món quà như tiền, bánh mì hoặc than đá để chúc gia chủ đủ đầy trong suốt năm.
Tại Israel, người dân thực hiện một nghi thức đặc biệt trong những ngày đầu năm mới, đó là ném bánh mì hay đồ ăn xuống biển, với mong muốn gột sạch mọi lỗi lầm của năm cũ và đón chào năm mới may mắn. Đồng thời, khi gặp nhau vào ngày lễ Tết, người Israel thường cúi gập mình xuống, đưa bàn tay lên ngang tai rồi chúc nhau bằng từ "shalom", có nghĩa là "hòa bình".
Tại Brazil, người dân mặc đồ màu trắng đón năm mới, tượng trưng cho sự khởi đầu một năm mới hòa bình và xua đổi tà ma. Ngoài ra, họ còn ném cành hoa trắng xuống biển để tế nữ thần biển với hy vọng mọi ước mong trong năm mới sẽ thành hiện thực.
Ở một quốc gia Nam Mỹ khác là Ecuador, vào đêm giao thừa, các gia đình tập trung bên ngoài nhà và cùng nhau châm lửa đốt bù nhìn rơm tự chế từ giấy báo, gỗ vụn... nhằm xua đi những xui xẻo, năng lượng xấu để có được một năm mới may mắn hơn.