Dưới mặt nước trong vắt của biển Adriatic là những vỏ đạn và lựu đạn rỉ sét từ thời Chiến tranh thế giới thứ II, gây ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, đe dọa đến tính mạng người dân.
Có mặt trên tàu hỗ trợ lặn "Pluton", một nhóm khoảng 10 thợ lặn người Pháp và Albania cùng phối hợp thực hiện một nhiệm vụ nhằm tìm kiếm và loại bỏ xác bom, đạn. Chỉ trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ, các thợ lặn đã thu gom được khoảng 85 vỏ đạn có thể đã được thả xuống từ cách đây khoảng 7 thập kỷ. Tuy nhiên, chính những người thợ lặn này cũng không rõ họ còn phải trục vớt bao nhiêu vỏ bom, đạn sót dưới đáy biển khu vực.
Đại úy Aymeric Barazer de Lannurien - chỉ huy lực lượng Pháp, cho biết trong năm 2021, nhờ nỗ lực chung giữa lực lượng Pháp và Albania, các chuyên gia đã thu gom được tổng cộng 310 thiết bị có khả năng phát nổ tại vùng nước quanh bờ biển Adriatic. Hầu hết các vật thể được tìm thấy là đạn pháo, nằm giữa các tảng đá dưới đáy biển, trong khu vực có người dân thường lui tới nên rủi ro đến tính mạng cao. Lần này, nhóm còn tìm được cả súng cối và đạn pháo có cỡ nòng từ 20 mm - 155 mm.
Tuy không có số liệu chính xác về số lượng vỏ đạn, bom còn sót dưới đáy biển, song các chuyên gia ước tính có ít nhất 20 xác tàu từ Chiến tranh Thế giới thứ II ở khu vực bờ biển Adriatic. Các đội lặn rất thành thạo trong khâu xử lý các vật thể có khả năng phát nổ, các xe cứu thương cũng được huy động phòng trường hợp xảy ra sự cố. Quân đội Albania sau đó sẽ thu thập các quả đạn và tiêu hủy chúng tại một căn cứ quân sự ở thủ đô Tirana.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ các thiết bị này có thể phát nổ bất cứ lúc nào, mà các thợ lặn còn phải làm việc trong môi trường với rủi ro biển động và nắng nóng. Tuy nhiên, điều đó không cản trở các lực lượng thực hiện nhiệm vụ mang ý nghĩa cao cả nhằm trả lại vẻ đẹp và sự bình yên cho vùng biển Adriatic.