Những động thái tiếp theo của Hạ viện Mỹ sau khi bầu được Chủ tịch

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Mike Johnson, một thành viên đảng Cộng hòa ít người biết đến, đã tuyên bố bắt tay ngay vào việc và đưa Hạ viện hoạt động trở lại cùng lịch trình cụ thể.

Chú thích ảnh
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đọc lời tuyên thệ tại cơ quan lập pháp ở Washington DC., ngày 25/10. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CBS News ngày 25/10, ông Johnson đã trở thành Chủ tịch Hạ viện sau một quá trình hỗn loạn mà ​​ba ứng cử viên trước đó của đảng Cộng hòa đều không giành được đa số phiếu. Ông Johnson đã giành chiến thắng với số phiếu ủng hộ là 220 trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 25/10 nhờ các thành viên Cộng hòa chiếm đa số đồng lòng ủng hộ.

Ông Johnson nói sau cuộc bỏ phiếu: “Chúng ta sẽ loại bỏ tất cả các nghi lễ và chúc mừng thông thường theo truyền thống dành cho chủ tịch mới vì chúng ta không có thời gian cho cả hai việc này. Việc của người dân Mỹ lúc này quá cấp bách. Giờ đã muộn. Cuộc khủng hoảng rất lớn”.

Ông Johnson đã đặt ra một lịch trình lập pháp dự kiến ​​để phê duyệt các khoản chi tiêu mới và xem xét các dự luật khác, nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng khi ông đối mặt với thực tế điều hành Hạ viện, nhất là do bản chất nhiều phe phái trong đảng Cộng hòa.

Đây là những gì Hạ viện Mỹ phải làm tiếp theo sau khi đã có người lãnh đạo.

Tránh đóng cửa chính phủ

Khi trở thành Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson sẽ có tiếng nói cuối cùng về những dự luật được đưa ra bàn bạc. Cấp ngân sách cho chính phủ sau thời hạn ngày 17/11 là vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự.

Ông Johnson đã gửi một lá thư cho các đồng nghiệp vào ngày 23/10, đưa ra một lịch trình dự kiến về cách ông sẽ tiếp cận công việc của Hạ viện trong vài tháng tới. Ông tán thành kế hoạch đưa ra 12 dự luật chi tiêu riêng rẽ, thay vì gộp chung thành một đạo luật lớn để cấp ngân sách cho các cơ quan hành pháp.

Xem xét các dự luật chi tiêu riêng rẽ là một trong những yêu cầu mà nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz (bang Florida) và những người khác đưa ra. Những nghị sĩ này đã phản đối cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy khi ông tán thành gia hạn tạm thời nguồn ngân sách cho chính phủ.

Ông Johnson viết trong lá thư nói trên: “Đây là một lịch trình đầy tham vọng, nhưng nếu Chủ tịch Hạ viện có thể thống nhất các thành viên và xây dựng đồng thuận, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu cần thiết”.

Ông Johnson đã đề xuất xem xét các dự luật riêng từ nay đến ngày 17/11, khi luật cấp ngân sách hiện tại hết hạn. Ông cho biết có thể cần biện pháp tạm thời để ngăn chặn Thượng viện cản trở Hạ viện bằng dự luật chi tiêu tổng hợp. Biện pháp tạm thời có thể có thời hạn là ngày 15/1/2024 hoặc ngày 15/4/2024 tùy thuộc vào sự đồng thuận của đảng Cộng hòa.

Tất nhiên, dự luật chi tiêu nào cũng cần được thông qua tại Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và cần chữ ký của Tổng thống Joe Biden. Nếu nếu đảng Cộng hòa yêu cầu cắt giảm chi tiêu quyết liệt thì sẽ bị đảng Dân chủ bác bỏ ngay khi dự luật tới Thượng viện. Theo kế hoạch của ông Johnson, các cuộc đàm phán về chi tiêu bắt đầu vào tháng 10 và có thể tiếp tục cho đến tháng 4/2024.

Tổng thống Biden hoan nghênh Hạ viện có chủ tịch mới và nói trong một tuyên bố rằng trong 22 ngày, cả hai bên cần phải hành động nhanh chóng để giải quyết các nhu cầu an ninh quốc gia và tránh đóng cửa chính phủ.

Ra nghị quyết phản đối Hamas và phê duyệt viện trợ cho Israel, Ukraine

Ông Johnson cho biết ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là thông qua một nghị quyết chỉ trích phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine về vụ tấn công ngày 7/10 ở Israel khiến trên 1.400 người thiệt mạng.

Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng đưa ra nghị quyết, lên lịch bỏ phiếu về nghị quyết này.

Nhà Trắng đã yêu cầu gói viện trợ khẩn cấp trị giá 106 tỷ USD, trong đó bao gồm 14 tỷ USD viện trợ cho Israel. Chính quyền Mỹ cũng muốn có 61 tỷ USD để tài trợ cho Ukraine và bổ sung kho vũ khí, đạn dược của Mỹ. Đây cũng là điểm vướng mắc đối với một số thành viên đảng Cộng hòa muốn xem xét riêng khoản viện trợ cho Israel.

Lập ủy ban lưỡng đảng về nợ

Phát biểu trước Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch, ông Johnson cho biết Mỹ phải hạn chế chi tiêu của chính phủ và giải quyết khoản nợ quốc gia ngày càng tăng mà ông gọi là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia”.

Ông nói: “Khoản nợ không bền vững. Chúng ta phải đưa đất nước trở lại đúng hướng. Đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Nhưng sẽ có hậu quả không thể chịu đựng được nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ”.

Ông Johnson cho biết các nhà lập pháp có nghĩa vụ là giải thích điều này cho người dân Mỹ để họ hiểu rõ. Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ thành lập một ủy ban lưỡng đảng về nợ để bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng này ngay lập tức”.

Ông Johnson không nói rõ ủy ban sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể gì hoặc sẽ làm việc trong ủy ban đó.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chủ tịch thứ 56 của Hạ viện Mỹ Mike Johnson
Chủ tịch thứ 56 của Hạ viện Mỹ Mike Johnson

Rạng sáng 26/10/2023 (theo giờ Việt Nam), với 220 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ đã bầu Hạ nghị sĩ Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa, đại diện của bang Louisiana, làm Chủ tịch Hạ viện sau 3 tuần chiếc ghế lãnh đạo bị bỏ trống, khiến hoạt động của cơ quan lập pháp này rơi vào tê liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN