Những điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022

2022 là một năm đầy thách thức nhưng hiệu quả đối với chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara đã thực hiện một số bước đi quan trọng và thành công trên chính trường thế giới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (giữa) tại một cuộc họp ở Ankara ngày 21/12/2022. Ảnh: AFP

Năm 2022 được cho là căng thẳng nhưng thành công đối với chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, Ankara đã có nhiều bước đi quan trọng và hiệu quả trên chính trường quốc tế dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò nhất định trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine, bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022. Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục tiêu đưa hai bên tham chiến đến bàn đàm phán ở Antalya và Istanbul, sau đó làm trung gian và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Với vai trò hiệu quả trong việc giảm tác động tiêu cực của hai hậu quả từ cuộc xung đột vốn rất quan trọng trên toàn thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và đưa ra các giải pháp thay thế để cung cấp năng lượng cho các nước châu Âu.

Sau khi hành lang ngũ cốc được mở lại, Ukraine đã xuất khẩu 16 triệu tấn ngũ cốc cho các nước có nhu cầu. Ngoài ra, Ankara còn làm trung gian để trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, đồng thời tiếp tục nỗ lực hòa giải nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đang diễn ra.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò mang tính xây dựng trong các nền tảng quốc tế đa phương trong năm 2022. Tổng thống Erdoğan đã tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh quan trọng vào tháng 9 năm nay.

Đầu tiên, ông Erdoğan đến Samarkand, thành phố lịch sử của Uzbekistan, để dự Hội nghị lần thứ 28 Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tại đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp lãnh đạo các nước thành viên, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó, Tổng thống Erdoğan đã đến thăm New York để tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 77. 

Ở khu vực Trung Đông, 2022 là một trong những năm đảo ngược chính sách đối ngoại triệt để của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi ông hàn gắn quan hệ với các cường quốc vùng Vịnh và Ai Cập, thể hiện sự sẵn sàng gặp Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, đồng thời chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng và bầu cử Quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. 

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những chính sách mang tính xây dựng trên, không có sự thay đổi đáng kể nào trong mối quan hệ căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước phương Tây. Trong khi duy trì mối quan hệ thể chế ở mức độ thấp với EU, Ankara đã phải tìm cách cải thiện mối quan hệ của mình với từng quốc gia châu Âu. Tương tự, căng thẳng vẫn tiếp diễn trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, trong đó có liên quan đến lực lượng người Kurd ở Iraq và Syria. 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng trong quan hệ của Ankara với cả EU và Mỹ là căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Hai bên đã có những bất đồng sâu sắc về các đảo tranh chấp cũng như tìm kiếm các mỏ khí đốt ở ngoài khơi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí cảnh báo Hy Lạp rằng có thể tấn công thủ đô Athens bằng tên lửa trừ khi “nước này giữ bình tĩnh”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Dailysabah.com)
Lý do Hy Lạp bất bình với việc Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái Bayraktar cho Albania
Lý do Hy Lạp bất bình với việc Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái Bayraktar cho Albania

Albania đã ký thoả thuận mua máy bay không người lái (UAV) Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là loại UAV đã được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN