Những di sản nổi bật của cựu Thủ tướng Abe Shinzo ở Nhật Bản và trên thế giới

Di sản của cựu Thủ tướng Shinzo Abe có ảnh hưởng nhất định đến nền chính trị Nhật Bản và thế giới.

Chú thích ảnh
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe đã bị ám sát và qua đời ngày 8/7/2022. Ảnh: Kyodo

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người giữ chức vụ thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã qua đời sau một vụ ám sát khi đang phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở miền Tây Nhật Bản. 

Báo Deutsche Welle (Đức) ngày 8/7 đã điểm lại những di sản nổi bật trong các nhiệm kỳ chính trị của ông Abe ở Nhật Bản và trên thế giới. 

Với Nhật Bản

Chú thích ảnh
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phát biểu vận động tranh cử cho đảng LDP trước cuộc bầu cử Thượng viện, ở Nara, ngày 8/7/2022. Ảnh: Mami Ueda/TTXVN

Ông Abe có thời gian cầm quyền dài kỷ lục là nhờ ông có thể mang lại sự thịnh vượng và ổn định kinh tế trong nước.

Chuyên gia về Nhật Bản tại Đức, ông Sebastian Maslow, nhận định: "Thiết lập ổn định chính trị có thể được coi là thành công then chốt của ông Abe". Ông Maslow lưu ý thêm rằng ông Abe đã khôi phục đảng Dân chủ Tự do sau nhiều năm xảy ra tranh giành quyền lực nội bộ và các vụ bê bối tài chính, giúp họ có đủ khả năng cầm quyền trở lại.

Những người ủng hộ coi ông Abe là một nhà lãnh đạo thực tế, đã củng cố nền kinh tế Nhật Bản và quan hệ đối tác với Mỹ, "để Nhật Bản không bao giờ trở hành quốc gia hạng hai" như ông từng nói.

Ông Abe đã tìm cách nới lỏng chính sách tiền tệ và theo đuổi mức chi tiêu chính phủ cao, đồng thời đạt được các thỏa thuận thương mại lớn với Liên minh châu Âu và các nước ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong nhiệm kỳ của ông Abe, Nhật Bản đã mở cửa đối với người lao động, nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết, đồng thời chứng minh rằng một nền kinh tế phát triển vẫn có thể tăng trưởng mặc dù dân số ngày càng giảm và già hóa.

Với quốc tế

Trên trường quốc tế, ông Abe đã thành công trong cân bằng giữa các siêu cường, đồng thời củng cố mối quan hệ của Nhật Bản với các nước khác trong lục địa châu Á.

Với tầm nhìn về một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", chính trị gia này đã củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và khu vực thông qua chính sách đầu tư tích cực.

Ông Yoichi Funabashi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Ấn Độ và Đông Nam Á hoan nghênh một Nhật Bản quyết đoán hơn với tư cách là một nhân tố chủ động và ổn định trong khu vực”.

Cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã leo thang đáng kể trong nhiệm kỳ của ông Abe, buộc ông phải cân bằng tinh tế giữa hai siêu cường. Khi làm như vậy, ông đã thành công trong cả việc mở rộng liên minh an ninh với Mỹ và duy trì thương mại với Trung Quốc - đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Ông Abe (trái) là nhân tố chính giúp Nhật Bản giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic mùa Hè. Ảnh: DW

Ông Abe cũng đã thuyết phục thành công để Tokyo đăng cai Thế vận hội Olympic 2020, cam kết rằng nhà máy hạt nhân Fukushima sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Sinh năm 1954 tại Tokyo, ông Abe xuất thân trong một gia đình giàu có và có uy tín về chính trị. Bố của ông là Shintaro Abe, từng giữ chức ngoại trưởng, trong khi chú ruột Eisaku Sato và ông nội Nobusuke Kishi của ông Abe đều từng là Thủ tướng Nhật Bản.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nhật Bản công bố nguyên nhân tử vong của cựu Thủ tướng Abe Shinzo
Nhật Bản công bố nguyên nhân tử vong của cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chiều tối 8/7, ông Hidetada Fukushima, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Nara ở tỉnh Nara - nơi cựu Thủ tướng Abe Shinzo được chữa trị, xác nhận ông Abe đã qua đời vào lúc 17h03 (giờ địa phương) do mất máu sau khi bị bắn từ phía sau trong lúc vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản, vào trưa cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN