Những con số thống kê cao chưa từng thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Brazil 

Trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 và tử vong cao chưa từng thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Brazil.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu thống kê của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 39.302 ca mắc bệnh COVID-19 - số ca mắc ghi nhận theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 3/2020, qua đó nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 3.317.182 ca. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thêm 152 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 31.537 trường hợp.  

Số ca lây nhiễm tại Thổ Nhỹ Kỳ đã tăng cao trở lại sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 1/3 vừa qua. Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, ngày 29/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định siết chặt trở lại các quy định phòng dịch, trong đó bao gồm lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào cuối tuần, trước khi nước này bước vào tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo (sẽ bắt đầu trong 2 tuần tới).

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết: "Chúng tôi đã xét nghiệm 180.448 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh... Có tới 75% số ca mắc COVID-19 trong nước là do nhiễm biến thể này". Bộ trưởng Koca cũng khẳng định Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm tiêm chủng cho phần lớn dân số vào cuối tháng 6 tới. Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai trên toàn quốc vào ngày 14/1, với vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) và vaccine do hãng Pfizer (Mỹ) phối hợp bào chế cùng BioNTech (Đức). Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm 16,04 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó 9,14 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Lviv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, giới chức y tế Ukraine cũng thông báo những số liệu cao kỷ lục về số ca tử vong cũng như số ca nhập viện điều trị. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 11.226 trường hợp mới mắc COVID-19 và 407 ca tử vong. Số người phải nhập viện điều trị trong ngày 31/3 cũng lên tới 5.558 trường hợp. Đây được xem là một gánh nặng lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã xập xệ của của Ukraine.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Thị trưởng thủ đô Kiev - ông Vitali Klitschko đã ban bố nhiều quy định phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại khu vực thủ đô kể từ ngày 5/4, trong đó có việc phương tiện giao thông công cộng sẽ chỉ dành cho những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu, như nhân viên y tế và nhân viên cứu hỏa. Các trường học và nhà trẻ sẽ đóng cửa cho đến ngày 16/4 tới. 

Trước đó, các địa điểm văn hóa và trung tâm mua sắm lớn ở Kiev cũng đã được lệnh đóng cửa và các nhà hàng bị giới hạn hoạt động kể từ ngày 20/3. 

Ukraine đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 32.000 ca tử vong. Quốc gia 40 triệu dân này đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc kể từ cuối tháng 2 vừa qua. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 230.000 người ở Ukraine đã nhận được liều đầu tiên. 

Trong khi đó, giới chức y tế Brazil cùng ngày cho biết nước này có thêm 3.869 ca tử vong do mắc COVID-19 - một con số cao kỷ lục - trong số 90.638 ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Theo Viện Y sinh Butantan của Brazil, nước này mới đây đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tương tự như biến thể được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Viện Y sinh Butantan - ông Dimas Covas cho biết bệnh nhân được phát hiện nhiễm chủng mới này chưa đi du lịch hay tiếp xúc với du khách đến từ Nam Phi. Theo đó, nhiều khả năng đây là loại biến thể phát triển từ chính chủng P1 được phát hiện tại Brazil trước đó. 

Hiện Brazil đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ lây nhiễm cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Hiện các ca tử vong do COVID-19 tại nước Nam Mỹ chiếm khoảng 25% tổng số ca tử vong do dịch bệnh này trên toàn thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Thanh Phương (TTXVN)
Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại Osaka, Hyogo và Miyagi
Nhật Bản áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại Osaka, Hyogo và Miyagi

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng quy định về các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 3 tỉnh có xu hướng dịch tăng cao trong thời gian gần đây là Osaka, Hyogo và Miyagi trong khoảng thời gian 1 tháng, kể từ ngày 5/4 đến ngày 5/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN