Hồi cuối tuần qua, Brunei thông báo phát hiện 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên Brunei phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng kể từ tháng 5/2020. Sau những diễn biến này, Chính phủ Brunei đã lập tức khôi phục các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế di chuyển của người dân, cũng như cấm hầu hết các cuộc tụ tập nơi công cộng. Trường học, đền thờ Hồi giáo và hầu hết các doanh nghiệp không thiết yếu đã được lệnh đóng cửa. Brunei cũng duy trì áp đặt các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt đối với những trường hợp nhập cảnh.
Theo Bộ trưởng Y tế Mohd Isham Jaafar, khác với đợt bùng phát dịch bệnh hồi năm ngoái, nguồn lây nhiễm của các chùm ca bệnh hiện khó xác định hơn. Một trong số những chùm ca bệnh hiện nay của Brunei xuất phát từ một khách sạn vốn được sử dụng là địa điểm cách ly y tế. Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đang điều tra về nguy cơ lây nhiễm tại các cửa khẩu biên giới giữa Brunei và Malaysia. Hiện đã có khoảng 33% dân số của Brunei đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Trong khi đó, Iran vẫn là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Trong ngày 9/8, giới chức y tế Iran xác nhận thêm 40.808 ca mắc và 588 ca tử vong do căn bệnh này. Cả hai con số thống kê đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này vào tháng 2/2020. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Iran hiện là 4.199.537 ca, trong khi số người không qua khỏi là 94.603 người.
Đến nay, đã có tổng cộng 13.002.245 người dân Iran được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 3.146.130 người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Các cơ quan y tế Iran đã cảnh báo về những kịch bản tồi tệ ở nước này trong “làn sóng lây nhiễm thứ 5”, nếu chính phủ không triển khai các biện pháp kiểm soát mới và tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh.