Theo số liệu của OCHA, khoảng 24 triệu người tại Sahel, trong đó hơn một nửa là trẻ em, cần được hỗ trợ và bảo vệ để có thể sống sót trong năm 2020 - số lượng kỷ lục từng được ghi nhận. Khoảng 4,5 triệu người đã phải sơ tán hoặc tị nạn để chạy trốn bạo lực, tăng hơn 1 triệu người so với năm 2019.
Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dự kiến sẽ tăng vọt. Hơn 12 triệu người đã phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng - cao nhất trong một thập kỷ gần đây. Tác động về kinh tế, xã hội của đại dịch COVID-19 có nguy cơ khiến số nạn nhân chịu tác động của nạn đói tăng gấp đôi.
Gần 10 triệu trẻ em ở khu vực Sahel có nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có 3 triệu em mắc phải dạng nghiêm trọng nhất. Việc đóng cửa các trường học do bạo lực, mất an ninh và các biện pháp phong toả để hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ trong khu vực.
Kể từ tháng 3/2019, hơn 11.500 trường học đã bị đóng cửa hoặc không thể hoạt động do tình trạng bạo lực trên khắp các nước Sahel, khiến 2,2 trẻ em không thể đến trường. Tiếp đó, do đại dịch COVID-19, khoảng 71 triệu trẻ em buộc phải nghỉ học tạm thời.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận trợ giúp nhân đạo ngày càng trở nên khó khăn tại khu vực Sahel. Sự bất ổn an ninh đã tác động tiêu cực đến các hoạt động viện trợ. Trên hết, thiếu hụt kinh phí là thách thức quan trọng nhất đối với các tổ chức nhân đạo. Trong 5 tháng đầu năm 2020, cộng đồng quốc tế chỉ huy động được 18% trong số 2,8 tỷ USD cần thiết để cho các kế hoạch nhân đạo tại khu vực Sahel. Đại dịch COVID-19 cũng khiến khu vực cần thêm 620 triệu USD nhưng đến thời điểm hiện tại các cơ quan nhân đạo mới huy động được khoảng 13%.