Nhóm lính Mỹ tăng cường đầu tiên đáp xuống châu Âu giữa căng thẳng Ukraine

Nhóm lính Mỹ đầu tiên trong hàng ngàn quân được Tổng thống Biden cử đến để tiếp viện cho các đồng minh NATO đã đáp xuống Đức.

Chú thích ảnh
Phương tiện quân sự của Mỹ rời máy bay vận tải trên sân bay Đức. Ảnh: RT

Các binh sĩ thuộc Quân đoàn dù số 18 của Quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống Sân bay Quân đội Wiesbaden trong đêm 4/2 (theo giờ địa phương), dỡ phương tiện và thiết bị từ máy bay vận tải quân sự. Đây là những binh sĩ đầu tiên trong số 2.000 lính Mỹ được điều động tới các nước NATO ở Đông Âu trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Moskva về Ukraine đang tăng cao.

Theo Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ, các binh sĩ trên sẽ thiết lập đại bản doanh tại Đức, trong khi 1.700 lính dù thuộc Sư đoàn Dù số 82 của Lục quân sẽ đến Ba Lan, quốc gia giáp biên giới với Ukraine. Tổng cộng, 2.000 binh sĩ từ căn cứ Fort Bragg ở tiểu bang Bắc Carolina sẽ đến châu Âu trong những ngày tới.

Đoạn video cho thấy binh sĩ Mỹ đáp xuống sân bay Đức, dỡ các kiện hàng và phương tiện (Nguồn: RT)

Nhà Trắng cho biết, hoạt động triển khai nói trên nhằm mục đích "răn đe và phòng thủ trước bất kỳ hành động gây hấn nào" từ quân đội Nga. Trong khi đó, Moskva nhiều lần bác bỏ những tuyên bố như vậy,  lên án cáo buộc sai trái của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đang lên kế hoạch dàn dựng một vụ “cờ giả” để biện minh cho một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.

Mỹ cho rằng Ukraine nên được phép gia nhập liên minh NATO, điều mà trong nhiều thập kỷ qua, Nga luôn coi là mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh của nước này. Trong suốt các cuộc đàm phán, Moskva đã yêu cầu Mỹ và NATO ngừng tiếp tục mở rộng liên minh thời Chiến tranh Lạnh, nhưng các nhà lãnh đạo ở Washington và Brussels từ chối xem xét một động thái như vậy.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã gọi việc triển khai quân của Mỹ tới Đông Âu là một "bước phá hoại" sẽ chỉ làm "hài lòng" chính phủ thân phương Tây của Ukraine, cũng như "làm tăng căng thẳng quân sự và giảm cơ hội của các giải pháp chính trị."

Chú thích ảnh
Quân đội Nga tham gia tập trận chung tại Belarus vào cuối tháng 1/2022. Ảnh: AP

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo Lầu Năm Góc triển khai khoảng 3.000 lính để tăng cường an ninh ở Đông Âu, đánh dấu cuộc điều quân lớn đầu tiên của Washington trong khủng hoảng Ukraine. Trong số đó, khoảng 1.700 quân sẽ từ căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina, đến Ba Lan và 300 quân đến Đức trong tuần này. Ngoài ra, khoảng 1.000 quân đóng tại Đức sẽ tới Romania, quốc gia nằm trên sườn phía đông gần Nga nhất của NATO.

Mỹ hôm 24/1 đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng "báo động cao độ". Kể từ đó, con số đã tăng thêm vài nghìn quân. Các quan chức cho biết 3.000 binh sĩ được triển khai nằm trong số quân đã được đặt trong tình trạng báo động.

Các quan chức Mỹ cho biết khoảng vài trăm cố vấn quân sự và lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang ở Ukraine. Lực lượng mới điều động chưa được cho phép vào nước này và tất cả hoạt động triển khai dự kiến chỉ là tạm thời. 

Một phần lực lượng mới điều động có thể được sử dụng trong trường hợp quân đội Mỹ được lệnh hỗ trợ sơ tán khoảng 30.000 người Mỹ đang sống ở Ukraine. Trong kịch bản đó, quân đội Mỹ ít khả năng vào lãnh thổ Ukraine mà hỗ trợ hoạt động sơ tán bằng đường bộ dọc theo biên giới Ukraine.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây dâng cao trong những tuần gần đây khi Moskva bị cáo buộc đang lên kế hoạch chuẩn bị tấn công Kiev. Moskva liên tục phủ nhận, khẳng định mọi động thái điều binh ở biên giới đều nhằm đảm bảo an ninh trong nước. Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây phớt lờ những lo ngại an ninh của Nga, cho rằng Mỹ cố đẩy Nga vào xung đột để lấy cớ trừng phạt.

Thu Hằng/Báo Tin tức
NATO nêu quan điểm về can dự quân sự vào Ukraine
NATO nêu quan điểm về can dự quân sự vào Ukraine

NATO ủng hộ Ukraine, nhưng không can dự vào các hành động thù địch ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN