Nhìn lại đại dịch hơn 100 năm trước khiến gần 50% dân số Ấn Độ mắc bệnh

Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920, ước tính có khoảng 33-50% dân số Ấn Độ bị nhiễm bệnh, với khoảng 12-17 triệu người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tá đeo khẩu trang phòng chống lây nhiễm cúm mùa Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Indiatimes

Thiệt hại khủng khiếp về người này diễn ra trong thời gian ngắn, từ tháng 6/1918 đến đầu năm 1919. Trong đó, riêng làn sóng lây nhiễm thứ hai, chỉ trong ba tháng từ giữa tháng 9 đến tháng 12/1918 gây ra tổn thất nặng nề nhất, đưa Ấn Độ thành nước có số ca tử vong vì cúm Tây Ban Nha nhiều nhất thế giới.

Ở vào thời điểm cuối năm 1918, khi làn sóng thứ hai của đại dịch cúm tấn công Ấn Độ, Mumbai (khi đó là Bombay) và Pune (tên cũ là Poona) là hai thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất. Dịch bệnh từ đây lan ra các khu vực khác trên cả nước. Các vùng nông thôn cũng phải đối mặt với lây nhiễm, gần như tất cả các bang, thành phố lớn ở Ấn Độ đều ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, vượt so với mức đỉnh trong làn sóng đại dịch thứ nhất.

Để ngăn chặn lây lan, chính quyền địa phương đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh tay, như đóng cửa rạp chiếu phim, các địa điểm công cộng, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người và thực hiện đeo khẩu trang.

Tại thời điểm đó, Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm cơ sở y tế, bác sĩ, các cơ sở cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Báo chí hàng ngày đầy ắp thông tin về tình trạng quá tải đối với hệ thống bệnh viện, tình cảnh người ốm bệnh gặp khó khăn khi muốn nhập viện, phải xếp hàng dài chờ đợi.

Ước tính trong đại dịch cúm Tây Ban Nha này, gần như công dân Ấn Độ nào cũng bị ảnh hưởng, mỗi gia đình đều có ít nhất một người mắc bệnh hoặc tử vong. Số lượng ca mắc cúm được cho là nhiều gấp nhiều lần con số công bố của chính quyền. Ở một số thành phố, cảnh xếp hàng chờ hỏa táng, lò hỏa thiêu quá tải là điều thường thấy. Dọc các bờ sông chất đầy thi thể người, do thiếu củi để thực hiện hỏa táng.

Tình cảnh có vẻ như đang lặp lại. Ấn Độ đang ở thời kỳ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, với cấp độ nguy hiểm lớn hơn làn sóng thứ nhất, trong khi nền tảng, tiềm lực y tế hầu như không có nhiều thay đổi so với 100 năm trước. Đây là điều đáng quan ngại, bởi khoa học y tế và sức khỏe đã có bước tiến lớn trong một thế kỉ qua và vì thế mà phản ứng trước đại dịch sẽ phải tốt lên, hiệu quả hơn.

Ở thời điểm năm 1918 khi đại dịch cúm bùng phát, các nhà khoa học không xác định được nguồn gốc lây bệnh (mãi đến năm 1933 mới phát hiện ra virus cúm). Cũng không có xét nghiệm để xác nhận tình trạng nhiễm bệnh, không vaccine phòng ngừa. Không những thế, Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đang diễn ra, hệ thống y tế đã bị quá tải bởi dịch tả, dịch hạch.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc COVID-19 nằm xếp hàng bên ngoài một bệnh viện ở New Delhi. Ảnh: Reuters

Đến năm 2021, tiến bộ về khoa học giúp thế giới giải được toàn bộ trình tự gien của SARS-CoV-2. Các phòng xét nghiệm được dựng lên, một số loại vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng được đưa vào tiêm chủng. Bước tiến về y tế và khoa học y tế công là không thể phủ nhận. Nhưng ở Ấn Độ, người dân giờ gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ. Bác sĩ, nhân viên y tế phải đón tiếp, điều trị cho quá nhiều bệnh nhân mới.

Nếu có điều gì đó Ấn Độ cần học hỏi, rút kinh nghiệm sau khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai qua đó, thì đó chính là việc nhìn lại quá khứ, phân tích và đưa ra giải pháp đối với hệ thống y tế. Làn sóng lây nhiễm ở Ấn Độ hiện nay xảy ra muộn hơn khoảng 2-3 tháng so với một số nước khác. Đại dịch năm 1918 cho thấy, làn sóng thứ hai là chết chóc nhất, nó ảnh hưởng và lấy đi mạng sống của nhiều người chỉ trong một thời gian ngắn so với các giai đoạn sóng khác trong toàn bộ chu kỳ đại dịch. Đó là đặc điểm cần chú ý, bởi cúm Tây Ban Nha hay COVID-19 đều là bệnh về hô hấp.

Đầu tư không đúng mức cho hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe là yếu kém kinh niên tại Ấn Độ. Không có đại dịch, người dân Ấn Độ cũng đã bị coi là rơi vào thảm cảnh nếu chẳng may bị bệnh tim, đột quỵ, tai nạn và cần chăm sóc y tế. Hệ thống đó đang ở ngưỡng rệu rã, không đủ sức để đối diện với một cuộc khủng hoảng tầm mức như hiện nay. Đó là lý do dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu bình oxy, trang thiết bị y tế.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (IndiaTimes, PSB)
Ấn Độ phải chặt cây trong công viên lấy củi hỏa táng bệnh nhân COVID-19
Ấn Độ phải chặt cây trong công viên lấy củi hỏa táng bệnh nhân COVID-19

Chính quyền thủ đô New Delhi phải yêu cầu chặt cây trong các công viên thành phố để lấy củi hỏa táng bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang tàn phá hệ thống y tế mỏng manh của Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN