Theo đài RT, thông tin từ Hiệp hội Công ty Lữ hành Nga cho biết số người Nga nói trên đã bị mắc kẹt ở châu Âu, vùng Caribe, Mỹ và một số nơi khác.
Khoảng 200 người đi du lịch đã bị mắc kẹt trên Madeira, một hòn đảo của Bồ Đào Nha ở phía tây Đại Tây Dương. Ngày 27/2, chuyến bay khẩn cấp để đưa nhóm du khách về nước đã buộc phải quay đầu trên không và quay trở lại Moskva.
Các đại lý du lịch đang cố gắng tìm các tuyến bay thay thế cho khách hàng vì nhiều hãng hàng không đã hủy các chuyến bay không chỉ đến châu Âu mà còn đến Bắc và Trung Mỹ.
Hãng hàng không Aeroflot của Nga đã hủy các chuyến bay đến New York, Washington, Miami, Los Angeles (Mỹ) và Cancun (Mexico).
Trong khi đó, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, những điểm nổi tiếng với khách du lịch Nga, vẫn mở cửa.
Các quốc gia bắt đầu đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga ngay sau khi Mosvka mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine từ ngày 24/2. Nga tuyên bố mục đích là bảo vệ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.
Các nước EU sau đó đã áp nhiều lệnh trừng phạt chống lại Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo máy bay Nga không được hoạt động trên toàn bộ không phận EU.
Liên tiếp những ngày qua, hàng loạt quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh cùng các nước Bắc Âu và Baltic, thông báo đóng cửa không phận với máy bay Nga. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ nhằm gây sức ép với Moskva.
Trong Thông điệp Liên bang đọc tối 1/3 (giờ bờ Tây của Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng xác nhận rằng Mỹ sẽ đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay Nga để gây thêm sức ép lên nền kinh tế Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã kêu gọi người dân nước này đang sống tại Nga cân nhắc rời khỏi Nga ngay lập tức khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Trước đó, ngày 28/2, Cơ quan Hàng không Liên bang Nga cũng thông báo đóng cửa không phận đối với 36 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Canada và nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Italy.
Nhận xét về quyết định đóng cửa không phận với Nga, Chủ tịch Cơ quan Hàng không Dân dụng Italy (ENAC), ông Pierluigi Di Palma cho biết các quyết định này không tôn trọng các quy tắc hàng không quốc tế. Ông nói: "Chúng tôi thấy các hiệp ước quốc tế bị vi phạm ở một mức độ nào đó liên quan đến lệnh cấm không phận do phương Tây quyết định chống lại Nga".
Không chỉ ảnh hưởng tới khách du lịch, lệnh cấm không phận với máy bay Nga còn khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy nghiêm trọng hơn và chi phí tăng cao.
Giao thông vận tải giữa châu Âu và các điểm đến ở Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang trở nên đặc biệt khó khăn do các lệnh cấm bay được áp đặt. Theo đó, các hãng hàng không châu Âu bị cấm bay qua khu vực Siberia của Nga và ngược lại các hãng hàng không Nga cũng bị cấm bay đến châu Âu.
Các hãng hàng không như Lufthansa của Đức, Air France KLM của Pháp, Finnair của Phần Lan và Virgin Atlantic Na Uy đã hủy các chuyến bay chở hàng đến các quốc gia Bắc Á do không phận đóng cửa, trong khi đó các hãng chuyên vận chuyển hàng hóa như AirBridge Cargo Airlines của Nga và Cargolux của Luxembourg cũng chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm này.
Tuy nhiên, các hãng hàng không lớn của châu Á như Korean Air của Hàn Quốc và ANA Holdings của Nhật Bản cũng như các hãng hàng không Trung Đông vẫn được bay qua không phận của Nga.