Nhật Bản thí điểm sử dụng vân tay để xác nhận thông tin tiêm chủng

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ hãng điện tử Hitachi, Đại học Kyushu và tập đoàn xây dựng Kajima vừa đưa vào thử nghiệm hệ thống quét vân tay để xác nhận thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19 của mỗi cá nhân. Các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống này sẽ giúp giảm rủi ro mất hồ sơ tiêm chủng và ngăn chặn tình trạng giả mạo hồ sơ này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Người sử dụng sẽ cung cấp thông tin tiêm chủng của cá nhân cho một ứng dụng trên điện thoại di động và dấu vân tay trên một thiết bị của Hitachi. Sau đó, hồ sơ tiêm chủng và dấu vân tay của người sử dụng sẽ được kết nối với nhau. Cuối cùng, các máy đọc vân tay sẽ được lắp đặt ở văn phòng hoặc một địa điểm nào đó để xác nhận người sử dụng đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

Liên quan dịch COVID-19, một nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa lên tiếng kêu gọi không nới lỏng ồ ạt các biện pháp hạn chế ở nước này, trong đó có việc rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà hàng, mà nới lỏng “theo từng giai đoạn”. Nhóm chuyên gia này viện dẫn thực tế là dịch COVID-19 đang gia tăng ở một số nước có tốc độ tiêm vaccine khá nhanh nhưng nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm, trong khi vẫn còn những quan ngại về việc số ca mắc mới sẽ giảm với tốc độ chậm hơn hoặc thậm chí không giảm nữa ở Nhật Bản.

Một số địa phương tại Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch. Tại hội nghị Ủy ban đối sách phòng chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 21/10, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định dỡ bỏ yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh đối với các cửa hàng ăn uống từ ngày 25/10. Các cửa hàng ăn được cấp chứng nhận chấp hành triệt để biện pháp phòng chống dịch được phép phục vụ bia, rượu trở lại, trong khi các cửa hàng chưa đủ điều kiện cũng được phép kinh doanh đến 9 giờ tối. Như vậy, các cửa hàng ăn uống tại Tokyo sẽ trở lại trạng thái bình thường sau 11 tháng phải hạn chế kinh doanh theo yêu cầu của chính quyền địa phương. 

Mặc dù dỡ bỏ hạn chế thời gian kinh doanh, nhưng để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát trở lại, chính quyền Tokyo tiếp tục duy trì yêu cầu hạn chế số lượng khách hàng, trong đó, trường hợp nhóm khách có từ 5 người trở lên phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-9 hoặc chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Đối với các cơ sở dịch vụ giải trí, mua sắm đông người, chính quyền thủ đô Tokyo cũng dỡ bỏ yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh. Quy định về việc hạn chế số người tham gia sự kiện dưới 5.000 người hoặc 50% số ghế nhưng không quá 10.000 người sẽ được nới lỏng trên cơ sở chủ trương của chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra vào ngày 31/10.

Cùng với Tokyo, một thành phố lớn khác của Nhật Bản là Osaka cũng đã tổ chức hội nghị phòng chống dịch COVID-19 trong ngày 21/10 và đã quyết định dỡ bỏ yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh của các cửa hàng ăn uống kể từ ngày 25/10, sớm 1 tuần so với thời hạn ban đầu là vào cuối tháng 10.

Trong thời gian qua, dịch COVID-19 tại Nhật Bản đã có những dấu hiệu lắng dịu khi số ca nhiễm mới giảm nhanh. Ngày 21/10, Nhật Bản chỉ ghi nhận 345 ca nhiễm mới, trong đó, thủ đô Tokyo có 36 ca, ghi nhận 5 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 50 người. Thành phố Osaka cũng chỉ ghi nhận 42 ca nhiễm mới trong ngày 21/10, giảm 70 người so với tuần trước đó.

Đào Thanh Tùng - Đức Thịnh (TTXVN)
Người phụ nữ bị COVID-19 trong thời gian dài kỷ lục 335 ngày
Người phụ nữ bị COVID-19 trong thời gian dài kỷ lục 335 ngày

Sau khi chiến thắng bệnh ung thư, người phụ nữ này lại phải chiến đấu với COVID-19 trong ròng rã 335 ngày, lâu nhất trong các ca bệnh được ghi nhận trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN