Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã điều nhân lực đến nhiều khu vực của 2 tỉnh Miyagi và Fukushima để cung cấp nước sạch cho người dân. Riêng tại khu vực Semine thuộc thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi, có khoảng 1.500 hộ gia đình không có nước sử dụng. SDF đã lập một trạm cấp nước vào sáng 18/3 sau khi một xe bồn chở nước đến tiếp tế cho khu vực này.
SDF cũng bắt đầu công tác chuẩn bị để cấp nước sạch tại những địa điểm như trường tiểu học và công viên ở thành phố Soma, tỉnh Fukushima. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến 20h ngày 17/3, tổng cộng khoảng 34.000 hộ gia đình tại các tỉnh này vẫn không có nước sử dụng.
Trong khi đó, công ty đường sắt Đông Nhật Bản cũng tiếp tục nỗ lực nối lại toàn bộ hoạt động của tàu siêu tốc Shinkansen. Một tàu cao tốc đã bị trật đường ray tại tỉnh Miyagi, buộc công ty phải tạm dừng một số dịch vụ ở khu vực phía Đông Bắc.
Cùng ngày 18/3, đại diện tập đoàn Murata Manufacturing thông báo có kế hoạch nối lại hoạt động sản xuất tại 2 nhà máy ở tỉnh Fukushima sau khi buộc phải tạm dừng do động đất. Tuy nhiên, 2 nhà máy còn lại của tập đoàn tại tỉnh vẫn dừng hoạt động. Trong đó, đám cháy bùng phát tại một nhà máy sản xuất cuộn cảm ở thành phố Tome, tỉnh Miyagi, gây hư hại một số thiết bị. Tập đoàn Murata, có trụ sở tại Kyoto, là nhà cung cấp tụ điện gốm hàng đầu trên thế giới.
Tập đoàn Sony cũng đang dần khởi động lại sản xuất ở 2 nhà máy tại tỉnh Miyagi và một nhà máy tại tỉnh Yamagata. Theo đại diện Sony, động đất gây thiệt hại nhẹ cơ sở sản xuất diode laser tại thành phố Shiroishi, tỉnh Miyagi.
Trong khi đó, nhà sản xuất chip Renesas Electronics thông báo vẫn tạm dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động tại 3 nhà máy của công ty.
Trận động đất có độ lớn 7,4 xảy ra vào lúc 23h16' ngày 16/3 theo giờ địa phương, với tâm chấn nằm ở độ sâu 57km ngoài khơi Fukushima. Thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh thành lân cận rung lắc mạnh. Ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương. Hơn 2,2 triệu hộ gia đình tại miền Đông và Đông Bắc Nhật Bản rơi vào cảnh mất điện.