Nhật Bản nghiên cứu cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột điều trị ung thư

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, từ tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng để cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột từ người hiến tặng khỏe mạnh cho những bệnh nhân ung thư thực quản và dạ dày.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu nhằm xác định liệu phục hồi môi trường đường ruột khỏe mạnh có thể tăng cường hiệu quả của thuốc miễn dịch sử dụng trong điều trị ung thư hay không. Thử nghiệm dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 11/2027.

Khoảng 100.000 tỷ vi khuẩn thuộc khoảng 1.000 loại khác nhau sinh sống trong ruột con người, hình thành “hệ vi khuẩn đường ruột”, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe tổng thể. Các yếu tố như căng thẳng, mệt mỏi, chế độ ăn uống không cân bằng và lão hóa có thể làm rối loạn cân bằng của hệ vi khuẩn này, dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau.

Bên cạnh các loại thuốc chống ung thư, điều trị ung thư còn bao gồm liệu pháp miễn dịch sử dụng chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch và duy trì khả năng tấn công các tế bào ung thư. Trong khi một số bệnh nhân được hưởng lợi từ các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, vẫn có những trường hợp thuốc này không hiệu quả, đặt ra thách thức trong việc tìm cách tăng cường hiệu quả của thuốc.

Nghiên cứu lâm sàng thực hiện trên 45 bệnh nhân ung thư đang dùng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Các báo cáo cho thấy hiệu quả của thuốc miễn dịch trị liệu là ngắn nếu tính đa dạng của vi khuẩn đường ruột thấp. Chính vì vậy, các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này nhằm xác định liệu cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh có thể cải thiện hiệu quả của thuốc hay không.

Trong nghiên cứu, bệnh nhân đầu tiên sử dụng liệu trình gồm 3 loại thuốc kháng khuẩn khác nhau trong 1 tuần để giảm lượng vi khuẩn đường ruột của chính họ. Sau đó, 1 dung dịch chứa vi khuẩn có nguồn gốc từ phân của những người hiến tặng khỏe mạnh được cấy ghép vào manh tràng, tiếp theo là dùng các thuốc miễn dịch.

Cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột đã thu hút sự chú ý như một phương pháp điều trị nhiễm khuẩn Clostridioides difficile (CDI) gây viêm đại tràng. Theo Phó Giáo sư Dai Ishikawa tại Đại học Juntendo và là thành viên của nhóm nghiên cứu, Mỹ và Australia đã phê duyệt một loại thuốc dựa trên hệ vi khuẩn đường ruột để điều trị CDI khó chữa. Ông cũng lưu ý rằng, nghiên cứu về việc sử dụng cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột để điều trị các bệnh về hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương cũng đang tiến triển ở nhiều quốc gia khác.

Từ năm 2014, Đại học Juntendo đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên hơn 240 trường hợp cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột. Năm 2023, trường bắt đầu điều trị cho bệnh nhân viêm loét đại tràng. Các bác sĩ tại trường cũng đã thành lập một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học và ra mắt một ngân hàng vi khuẩn đường ruột để thu thập và lưu trữ vi khuẩn từ những người khỏe mạnh.

Theo Trung tâm Ung thư quốc gia, năm 2022, khoảng 11.000 người tử vong vì ung thư thực quản trên khắp Nhật Bản, trong khi ung thư dạ dày cướp đi sinh mạng của khoảng 41.000 người.

Xuân Giao (TTXVN)
Đột phá trong phương pháp chẩn đoán di căn của ung thư tuyến giáp
Đột phá trong phương pháp chẩn đoán di căn của ung thư tuyến giáp

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đạt tiến triển trong việc định vị tổn thương do ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC), căn bệnh vốn rất khó xác định tổn thương di căn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN