Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống này bao gồm một camera hồng ngoại, một thuật toán AI và một nền tảng dữ liệu lớn. Sau khi kết nối camera hồng ngoại với "dế" thông minh, người dùng có thể sử dụng camera để chụp hình ảnh của ngực. Những hình ảnh này sau đó được tải lên ứng dụng điện thoại và tự động được xử lý thông qua thuật toán AI, với kết quả cho thấy các mức độ rủi ro ung thư khác nhau.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng hệ thống này sẽ được ứng dụng như một giải pháp sàng lọc ung thư vú tiền lâm sàng thuận tiện, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn cho phụ nữ. Hiện tại, tại Trung Quốc, tự kiểm tra vú là phương pháp chính để sàng lọc ung thư vú, nhưng hầu hết phụ nữ không tự kiểm tra thường xuyên hoặc không thực hiện đúng kỹ thuật.
Ung thư vú là một vấn đề sức khỏe lớn đối với phụ nữ tại Trung Quốc. Vào năm 2022, nước này đã ghi nhận 357.200 ca mới mắc bệnh ung thư vú. Đây là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ trong năm 2022, gây ra 75.000 ca tử vong.
Bác sĩ Sun Qiang - một bác sĩ chuyên khoa vú tại PUMCH và là thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu cho biết: “Việc sàng lọc và chẩn đoán sớm là chìa khóa trong điều trị ung thư vú”.
So với các phương pháp sàng lọc lâm sàng chính như siêu âm, chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI), hệ thống AI-IRT được xem là một phương pháp sàng lọc tiền lâm sàng quy mô lớn có những lợi thế như không xâm lấn, không bức xạ, nhanh chóng và giá cả phải chăng hơn.
Dựa trên các phát hiện hiện tại, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giới thiệu hệ thống AI-IRT đến công chúng để sử dụng tại nhà và trong các trung tâm y tế cộng đồng trong tương lai, tiết kiệm thời gian hẹn trước tại bệnh viện và chờ đợi nhiều ngày để thực hiện sàng lọc lâm sàng.