Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, Osaka và 3 tỉnh giáp với thủ đô Tokyo gồm Chiba, Kanagawa, Saitama đã được bổ sung vào danh sách các địa phương áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài đến hết ngày 31/8. Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại thủ đô Tokyo và Okinawa đã được gia hạn đến cuối tháng 8, thay vì kết thúc vào ngày 22/8 như kế hoạch ban đầu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại hệ thống y tế của Nhật Bản có thể sụp đổ trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020.
Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ uống có cồn và hát karaoke tại 6 tỉnh trên hoàn toàn bị đóng cửa, nhưng sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ. Mọi dịch vụ không liên quan đến rượu, bia sẽ được hoạt động, song phải đóng cửa trước 20h hằng ngày.
Theo số liệu báo cáo mới nhất công bố ngày 1/8, Nhật Bản đã liên tục ghi nhận hơn 10.000 ca/ngày trong 4 ngày qua. Trong khi đó, tính đến ngày 30/7, mới chỉ có 28,3% trong tổng số 126 triệu dân ở Nhật Bản đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine.
Ngoài một số tỉnh trong điểm phải áp đặt tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19, một số tinh của Nhật Bản như Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka đều đang thực hiện các biện pháp phòng dịch trọng điểm và dự kiến các biện pháp này sẽ được thực hiện cho đến hết ngày 31/8. Chính quyền các tỉnh này được phép điều chỉnh các biện pháp phòng dịch căn cứ theo tình hình dịch bệnh cụ thể.
Theo số liệu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số bệnh nhân COVID-19 tự cách ly hoặc được chăm sóc tại nhà đến ngày 28/7 là 18.927 bệnh nhân, tăng 1,8 lần so với một tuần trước đó. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh của bệnh nhân COVID ở các tỉnh Tokyo, Saitama, Ishikawa và Okinawa là 50% hoặc cao hơn, thuộc ngưỡng cao nhất trong thang cảnh báo 4 mức do Ủy ban phòng chống COVID-19 của chính phủ Nhật Bản đưa ra.
Ngày 1/8, Hiệp hội tỉnh trưởng quốc gia đã kêu gọi người dân hạn chế các chuyến đi liên tỉnh trong kỳ nghỉ Hè và trong trường hợp nhất thiết phải đi lại, người dân cần tiến hành xét nghiệm.
* Cùng ngày, Australia thông báo có thể dỡ bỏ phong tỏa thành phố Sydney khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 50%. Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết lệnh phong tỏa thành phố Sydney, thủ phủ của bang, có thể bắt đầu được dỡ bỏ vào cuối tháng 8 nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt 50%. Đây là lần đầu tiên giới chức Australia đề cập đến tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ như một điều kiện để nới lỏng các hạn chế phòng ngừa COVID-19 thay vì chỉ nhắc tới số ca nhiễm.
Phát biểu với báo giới địa phương, bà Berejiklian cho biết việc tiêm chủng cho 1/2 số người trưởng thành của bang sẽ chưa thể "cho chúng ta hoàn toàn tự do" nhưng sẽ kích hoạt việc nới lỏng một số hạn chế.
Tính đến ngày 1/8, hơn 19% người trưởng thành ở bang đông dân nhất ở Australia đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine.
Thủ hiến bang New South Wales cũng kêu gọi người dân tranh thủ quãng thời gian phong tỏa từ nay đến 28/8 để đi tiêm chủng và nhấn mạnh chính quyền sẽ căn cứ vào số ca mắc và tỷ lệ tiêm chủng trong tháng này để quyết định có dỡ bỏ lệnh phong tỏa hay không. Theo bà Berejiklian, bang New South Wales hiện đang tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 500.000 người/tuần, tuy nhiên tốc độ này sẽ được đẩy nhanh hơn khi có thêm nhiều hiệu thuốc tham gia chiến dịch tiêm chủng và chính quyền mở thêm nhiều trung tâm tiêm chủng mới.
Ngày 2/8, bang New South Wales ghi nhận 203 ca nhiễm mới 24 giờ qua, trong đó có 51 ca mắc trong cộng đồng. Kể từ khi làn sóng dịch bùng phát tại đây vào ngày 16/6, cho đến nay bang này ghi nhận tổng số ca mắc là hơn 3.600 ca, trong đó có 15 trường hợp tử vong.