Theo Nikkei Asia, Nhật Bản đang chuyển sang tuyển dụng lao động trung niên để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực công nghệ, với chương trình thực tập thí điểm sẽ được triển khai vào năm tới dành cho những người có mong muốn thay đổi nghề nghiệp.
Sáng kiến mới của Bộ Lao động Nhật Bản sẽ hướng tới những người lao động thuộc ngành phi công nghệ - bao gồmnhững người ở độ tuổi 40 và 50. Họ sẽ được đào tạo để trở thành kỹ sư phần mềm và lập trình viên.
Các thực tập sinh sẽ được bố trí làm việc tại các công ty tham gia sáng kiến trong tối đa 6 tháng và sẽ được cố vấn kỳ cựu hướng dẫn. Bộ Lao động Nhật Bản dự kiến có khoảng 60 công ty tham gia chương trình này. Thực tập sinh sẽ được trả lương cho thời gian làm việc.
Trước đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp dự đoán Nhật Bản sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tới 800.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2030. Chương trình mới nhằm mục đích giúp giảm bớt sự thiếu hụt này bằng cách khuyến khích những người lao động lớn tuổi, những người thường gặp khó khăn hơn khi tham gia các lĩnh vực mới, chuyển sang các ngành có xu hướng đóng góp cho tăng trưởng và phát triển.
Khoảng 2.400 cá nhân từ 35 tuổi trở lên dự kiến thực tập thông qua chương trình trong thời gian thử nghiệm kéo dài hai năm đầu tiên. Nếu thành công, Bộ lao động Nhật Bản sẽ hướng tới việc triển khai toàn diện.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida coi lĩnh vực kỹ thuật số là một ưu tiên kinh tế và đang tìm cách tăng cường đầu tư vào nhân tài trong lĩnh vực này. Bộ Lao động Nhật Bản đã yêu cầu 200 tỷ yên (khoảng 1,35 tỷ USD) cho các chương trình đào tạo và các chương trình liên quan khác trong ngân sách tài khóa 2024.
Ngày càng nhiều người lao động trung niên và lớn tuổi ở Nhật Bản đang mong muốn thay đổi nghề nghiệp khi quan điểmtruyền thống như việc làm suốt đời ngày càng thu hẹp dần và các hệ thống dựa trên thâm niên tạo ra sự bất ổn ngày càng tăng.
Theo số liệu chính thức của chính phủ, số người trong độ tuổi 45-64 muốn chuyển việc hoặc đảm nhận một công việc khác rơi vào khoảng trung bình 3,46 triệu người vào năm ngoái, tăng 27% so với 4 năm trước đó, mức tăng nhanh hơn các nhóm tuổi khác.
Bên cạnh sáng kiến của chính phủ, một số công ty thuộc khu vực tư nhân đang thực hiện các bước của riêng mình để trau dồi khả năng kỹ thuật số cho người lao động.
Vào tháng 5, hãng hàng không All Nippon Airways đã triển khai chương trình đào tạo lại kỹ năng cho nhân viên từ 50 đến 58 tuổi, khuyến khích họ tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số hoặc được cấp chứng chỉ trong các lĩnh vực như kế toán. Trong khi đó, tập đoàn Sapporo đã đặt mục tiêu vào năm ngoái là giúp tất cả nhân viên của mình có khả năng kỹ thuật số và cung cấp đào tạo cho khoảng 6.000 nhân viên trên toàn tập đoàn.
Hidenobu Nakahata, giám đốc nhân sự Hitachi, cho biết: “Chỉ cung cấp các cơ hội học tập sẽ không giúp nâng cao kỹ năng của người lao động. Bạn phải thay đổi suy nghĩ của nhân viên”. Tập đoàn công nghiệp này được coi là người tiên phong trong việc đào tạo lại kỹ năng trên toàn công ty, bao gồm cả những nhân viên lớn tuổi.