Phát biểu khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng G20, diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ông Aso cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ và các thói quen thương mại không công bằng sẽ hủy hoại sự ổn định kinh tế. Ông nhấn mạnh: "Sự bất bình vì bất công trong kinh tế đang gia tăng. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ rất lớn là sẽ trở lại một thế giới khép kín và chia rẽ".
Bình luận của Bộ trưởng Aso được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới. Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters công bố ngày 17/1 cho thấy tranh cãi về thuế được cho là sẽ tiếp tục làm "sứt mẻ" nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2019. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nhấn mạnh: "Chủ nghĩa bảo hộ và các thói quen thương mại không công bằng sẽ dẫn tới bất ổn và đảo ngược các thành quả kinh tế. Chúng ta cần tái cam kết hợp tác quốc tế và mở cửa".
Năm nay là năm đầu tiên Nhật Bản đăng cai tổ chức các hội nghị G20. Tokyo muốn tập trung vào nhiều vấn đề, từ bất bình đẳng trong thương mại toàn cầu, đến tác động của quá trình lão hóa dân số. Tại một hội nghị chuyên đề ngày 17/1 trước thềm hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda nhấn mạnh việc duy trì tăng trưởng kinh tế và sự vững chãi về tài chính trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng không phải là vấn đề của riêng các nền kinh tế phát triển.
Theo ông, dù hiện một số nền kinh tế mới nổi trong G20 đang chứng kiến lực lượng lao động trẻ tuổi gia tăng mạnh, nhưng sớm hay muộn các nước này cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề lão hóa dân số. Vì vậy, các thành viên G20 cần học hỏi lẫn nhau về các điều kiện dân số, thiết lập thể chế và chính sách ứng phó. Nhật Bản là nước có dân số già nhất trong nhóm G20 và đang phải đối mặt với các thách thức như một lực lượng lao động ngày càng phụ thuộc vào người già và chi phí cho an sinh xã hội tăng cao.