Sách Trắng mới nhất về năng lượng của Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Tokyo trong việc duy trì lợi ích tại các dự án dầu khí ở đảo Sakhalin thuộc vùng Viễn Đông của Nga, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt mà Tokyo đã áp dụng đối với Moskva, với lý do các dự án này là quan trọng để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho quốc gia luôn thiếu thốn năng lượng này với chi phí hợp lý.
Báo cáo cho rằng tài khóa kết thúc hồi tháng 3 vừa qua là giai đoạn mà thế giới phải đối mặt với những thách thức cơ bản, trong đó tình hình xung đột kéo dài ở Ukraine và các khoản đầu tư mới cho nỗ lực khử carbon có thể đẩy chi phí năng lượng lên cao.
Báo cáo nêu rõ: “Ưu tiên của nền kinh tế Nhật Bản là tăng sản lượng năng lượng, đồng thời kiềm chế giá nhập khẩu năng lượng (ở một mức nhất định) thông qua các nỗ lực như đa dạng hóa các nguồn năng lượng và nhà cung cấp”. Bên cạnh việc các yếu tố chính nêu trên thúc đẩy sự gia tăng giá nhiên liệu hóa thạch, Sách Trắng về năng lượng của Nhật Bản cũng cho rằng tình trạng này còn do hình thái thời tiết bất thường, như thời tiết lạnh giá ở châu Âu, hay các thảm họa thiên nhiên và sự thiếu đầu tư phát triển các nguồn năng lượng hóa thạch tại thời điểm kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Báo cáo khẳng định Tokyo sẽ không rút khỏi 2 dự án năng lượng lớn Sakhalin 1 và 2, do các dự án này là "không thể thiếu" đối với nguồn cung cấp điện và khí đốt tại Nhật Bản. Hiện tại, riêng lượng LNG (khí thiên nhiên được hóa lỏng) nhập khẩu từ dự án Sakhalin 2 đã đóng góp 3% cho sản lượng điện sản xuất tại Nhật Bản.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các nền kinh tế trên thế giới cần thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Báo cáo đồng thời đề xuất, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cần tập trung giảm lượng khí thải CO2 trong ngành công nghiệp, thay vì giảm lượng khí thải trong ngành điện, trong khi Mỹ cần tập trung cắt giảm lượng khí thải CO2 trong ngành giao thông vận tải.