Một trong những yếu tố chính dẫn tới kết quả khả quan này là tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ - tín hiệu mới cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 đang giảm dần.
Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản, được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, tăng 0,4% so với quý IV/2022. Trong tài khóa 2022, GDP thực tế của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tăng 1,2%, đánh dấu năm thứ hai tăng trưởng liên tiếp.
Mức tăng 1,6% cao hơn mức dự báo trung bình 1,1% được các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản tiến hành trước đó.
Dữ liệu trên cho thấy tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn 50% GDP, vẫn phục hồi bất chấp giá cả hàng tiêu dùng tăng cao. Sự hồi sinh của hoạt động du lịch trong nước cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do chi tiêu của du khách nước ngoài ở Nhật Bản được tính là xuất khẩu trong dữ liệu GDP.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, tiêu dùng cá nhân tăng 0,6% nhờ nhu cầu tăng cao đối với xe ô tô, hàng hóa lâu bền và người tiêu dùng Nhật Bản tăng chi tiêu cho các dịch vụ, trong đó có ăn ở ngoài. Đây là quý tăng thứ tư liên tiếp.
Tuy nhiên, xuất khẩu đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong khoảng 3 năm, làm lu mờ triển vọng của nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu, nơi các ngân hàng trung ương đang tìm cách kiềm chế nhu cầu để ngăn lạm phát tăng cao. Cụ thể, xuất khẩu giảm 4,2% trong khi nhập khẩu giảm 2,3%.