Buổi lễ được tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình gần Khu vực số 0 (Ground Zero), với sự tham dự của khoảng 50.000 người, trong đó có đại diện của khoảng 90 nước trên thế giới. Những người tham dự đã dành 1 phút tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện đau thương này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực hiện thực hóa "một thế giới không có vũ khí hạt nhân". Ông nhấn mạnh với là quốc gia duy nhất trên thế giới phải hứng chịu bom nguyên tử trong chiến tranh, Nhật Bản kiên định với nghĩa vụ loại bỏ vũ khí hạt nhân và chủ trương này sẽ vẫn được duy trì trong thời kỳ Reiwa (Lệnh Hòa).
Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận sự khác biệt ngày càng lớn giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh: "Nhật Bản cam kết đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và không sở hữu vũ khí hạt nhân và đi đầu các nỗ lực quốc tế, trong khi kiên trì thuyết phục các nước này hợp tác và có một cuộc đối thoại." Ông tuyên bố Nhật Bản sẽ duy trì các nguyên tắc yêu chuộng hòa bình và phi vũ khí hạt nhân.
Tại lễ tưởng niệm, Thị trưởng Hiroshima - ông Kazumi Matsui đã kêu gọi Nhật Bản tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc - văn kiện vốn đã được 122 nước thành viên tổ chức này thông qua từ tháng 7/2017.
Lễ tưởng niệm thảm họa bom nguyên tử Hiroshima là sự kiện được tiến hành thường niên tại Nhật Bản. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử lõi urani mang tên "Little Boy" (Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima lúc 8h15 sáng 6/8/1945. Sức công phá của quả bom đã cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người. Chỉ vài ngày sau đó, ngày 9/8/1945, thành phố Nagasaki cũng bị trúng bom nguyên tử, 70.000 người thiệt mạng, trước khi Nhật Bản đầu hàng và Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Không chỉ dừng lại ở những con số thương vong ấy, những tác động của phóng xạ vẫn khiến hàng nghìn người bị ảnh hưởng về sức khỏe và cuộc sống sau này.