Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nghiên cứu được thực hiện đối với 2.826 người tiêm mũi thứ ba là vaccine của hãng Pfizer/Biontech và 773 người tiêm mũi thứ ba của hãng Moderna sau khi tất cả đều tiêm mũi thứ hai của hãng Pfizer.
Về hiệu quả, theo dõi trong vòng 1 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba, mức tăng kháng thể đối với người tiêm vaccine của hãng Pfizer/Biontech là 54,1%, trong khi tỷ lệ này là 67,9% đối với người tiêm vaccine của hãng Moderna. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả đối với biến thể Omircon của virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm mũi thứ ba cũng cao hơn so với người chỉ tiêm hai mũi vaccine.
Về tác dụng phụ, đối với người tiêm mũi thứ ba vaccine của hãng Pfizer/Biontech có 21,4% sốt trên 38 độ C, 69,1% đau nhức toàn thân và 55% có biểu hiện đau đầu. Trong khi chỉ số tương tự đối với người tiêm mũi thứ ba vaccine của hãng Moderna lần lượt là 49,2%, 78% và 69,5%. Các biểu hiện này rõ nhất chủ yếu vào ngày thứ hai sau khi tiêm chủng và giảm dần vào các ngày sau đó. Ngoài ra, có 2 trường hợp nghi gây ra tác dụng phụ về viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine của hãng Pfizer/Biontech nhưng không nghiêm trọng, trong khi không ghi nhận trường hợp tương tự nào ở người tiêm vaccine của hãng Moderna.
Theo Giáo sư Suminobu Ito, giảng viên Đại học Y Juntendo, thành viên nhóm nghiên cứu, dường như mức độ sinh kháng thể đang tỷ lệ nghịch với mức độ gây tác dụng phụ khi tiêm vaccine mũi thứ ba cùng và khác loại. Tức là tiêm cùng loại vaccine sinh kháng thể ít hơn nhưng cũng ít nguy cơ tác dụng phụ hơn, trong khi tiêm khác loại vaccine sinh nhiều kháng thể hơn nhưng nguy cơ tác dụng phụ lại cao hơn. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, người dân có thể lựa chọn các loại vaccine phù hợp để tiêm mũi thứ ba phòng ngừa COVID-19.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến hết ngày 18/2, đã có 169.146 người ở nước này đã tiêm liều vaccine thứ ba, tương đương tỷ lệ 12,6% dân số. Trong đó, 71,9% lựa chọn vaccine của hãng Pfizer/Biontech và 28,1% tiêm vaccine của hãng Moderna.