Theo CNBC, ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 0,4% sau quyết định này, trong khi chỉ số Topix tăng 0,19%.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản sau 17 năm, nhưng nó vẫn giữ lãi suất ở mức 0 do sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh, buộc ngân hàng trung ương phải cực kỳ thận trọng trong bất kỳ quyết định tăng chi phí cho vay. BOJ sẽ áp dụng mức phí 0,1% đối với một số tổ chức tài chính dự trữ vượt mức gửi tại ngân hàng trung ương.
Quyết định trên cũng khiến Nhật Bản trở thành ngân hàng trung ương cuối cùng chấm dứt lãi suất âm và kết thúc một kỷ nguyên trong đó các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới tìm cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua chính sách tiền rẻ (lãi suất thấp giúp người dân đi vay tiền dễ dàng).
Izumi Devalier, người đứng đầu bộ phận kinh tế Nhật Bản tại BofA Securities, nhận định: “Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, vì vậy nó có rất nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng”.
Tuy nhiên, bà Izumi cho rằng tác động thực tế từ quyết định tăng lãi suất của BOJ đối với nền kinh tế là rất nhỏ, đồng thời lưu ý ngân hàng có thể sẽ duy trì các điều kiện nới lỏng tiền tệ. "Chúng tôi không mong đợi sự gia tăng đáng kể về chi phí vốn hoặc lãi suất thế chấp gia đình”, bà Izumi nói.
Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi cuộc họp báo của Thống đốc Kazuo Ueda để tìm manh mối về tốc độ tăng lãi suất tiếp theo. Quyết định của BOJ cũng có thể gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư Nhật Bản, những người tích lũy đầu tư ra nước ngoài, chuyển tiền về nước.
Năm 2016, ngân hàng trung ương đã đưa ra lãi suất âm khi lạm phát yếu buộc ngân hàng này phải điều chỉnh chương trình kích thích sang một chương trình bền vững hơn. Tuy nhiên, đồng yên giảm mạnh đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Công chúng Nhật Bản ngày càng chỉ trích nhược điểm của lãi suất cực thấp của Nhật Bản, buộc năm ngoái BOJ điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để nới lỏng việc kiểm soát lãi suất dài hạn.