Nhập cư và nghe lén phủ bóng Thượng đỉnh EU

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 24 và 25/10 ở Brussels (Bỉ) trong bầu không khí u ám sau sự kiện hàng trăm người chết đuối trên đường nhập cư trái phép vào Italy. Bên cạnh đó, cuộc tranh cãi quanh chuyện “nghe lén” của tình báo Mỹ cũng là một vấn đề trọng tâm của hội nghị.


“Nghĩa địa ngoài trời”


Ngày 3/10 vừa qua, 364 người đã thiệt mạng trong một thảm họa nhập cư tồi tệ nhất Italy khi chiếc thuyền chở người nhập cư, phần lớn là người Eritrea từ châu Phi, bị bốc cháy và chìm ở ngoài khơi đảo Lampedusa, Italy. Sự kiện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề nhập cư trái phép vào châu Âu.

 

Xác nạn nhân trong vụ chìm tàu chở người nhập cư trái phép vào Italy được mang lên bờ ngày 6/10.AFP/TTXVN


Trước hội nghị EU, đã có nhiều nước kêu gọi hành động ngăn chặn một thảm họa nhập cư khác, tránh để biển Địa Trung Hải trở thành “nghĩa địa ngoài trời” như lời ví von của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.


Vấn đề nhập cư đặc biệt được các nước phía nam châu Âu như Italy, Hy Lạp, Malta, Cộng hòa Síp, Bulgaria và Tây Ban Nha quan tâm. Những nước này luôn cho rằng họ bị cộng đồng châu Âu bỏ mặc để tự xoay xở với làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi và Trung Đông.


Thủ tướng Italy Enrico Letta kêu gọi lãnh đạo EU tăng cường cơ quan quản lý biên giới Frontex, sớm thực hiện hệ thống giám sát biên giới liên châu Âu Eurosur để phát hiện tàu chở người nhập cư gặp nạn. Theo số liệu, Frontex đã cứu mạng 16.000 người trên biển Địa Trung Hải trong 2 năm qua nhưng ngân sách cho cơ quan này đã bị thu hẹp từ 118 triệu euro năm 2011 xuống còn 85 triệu euro năm 2013.


Thủ tướng Malta và Thủ tướng Tây Ban Nha cũng chung quan điểm yêu cầu EU phải chia sẻ gánh nặng trong giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Yêu cầu của các nước cũng là điều dễ hiểu khi mà số người nhập cư vào Italy đã tăng bốn lần năm 2013 còn số người nhập cư vào Tây Ban Nha tăng gấp hai.


Các nhà phân tích cũng cho rằng đã đến lúc EU xác lập một chính sách chung để tìm cách xử lý làn sóng người tị nạn ở các nước đang xảy ra xung đột tràn vào EU. Tuy nhiều áp lực như vậy nhưng các nhà ngoại giao EU cho biết họ không hi vọng hội nghị sẽ giải quyết được vấn đề này.


Nóng chuyện Mỹ nghe lén đồng minh


Trong khi các nước Nam Âu đòi giải quyết vấn đề nhập cư thì nhiều nước khác, điển hình là Pháp, lại muốn bàn chuyện bảo mật dữ liệu. Theo Ngoại trưởng Pháp Fabius, EU không thể nâng cao vị thế kỹ thuật số của mình nếu không đầu tư cho bảo vệ dữ liệu cá nhân.


Phát ngôn của ông Fabius được đưa ra trong bối cảnh một số đồng minh của Mỹ tại châu Âu yêu cầu giải thích về việc tình báo nước này theo dõi và nghe lén điện thoại của cả người dân và lãnh đạo châu Âu.


Ngày 23/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi điện đòi Tổng thống Mỹ Barack Obama giải thích “đầy đủ và ngay lập tức” sau khi có thông tin tình báo Mỹ nghe lén các cuộc gọi điện thoại di động của bà. Bộ Ngoại giao Đức cũng gọi Đại sứ Mỹ lên để hỏi chuyện - một hành động hiếm khi xảy ra giữa hai đồng minh.


Trước đó, ông Obama cũng phải “muối mặt” khi nghe điện thoại của Tổng thống Pháp Francois Hollande về thông tin Mỹ giám sát hàng triệu cuộc gọi ở Pháp.


Hai sự kiện mới nhất sẽ góp phần gây áp lực buộc lãnh đạo EU phải đưa ra các biện pháp mới để tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân trên quy mô toàn khối. Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức sẽ thảo luận để “phối hợp biện pháp phản ứng” trước nghi án bị Mỹ nghe lén.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN