Vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature đã làm rung chuyển hệ thống ngân hàng Mỹ, thậm chí còn mạnh mẽ hơn những gì mà các bản tin và giới chức Mỹ đưa ra.
Làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng là điều không thể tránh được và không phải ai cũng tin lời Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khi bà nói rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn và khỏe mạnh. Và giá dầu đã giảm mạnh.
Nỗi lo sợ rằng ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu sẽ gặp thêm nhiều rắc rối hơn nữa - sau khi ngân hàng UBS phải tiếp quản Credit Suisse để cứu nó - vẫn đang tác động đến thị trường.
Cùng với dự báo về suy thoái kinh tế, những lo ngại này đã khiến giá dầu giảm mặc dù các nguyên tắc cơ bản cho thấy giá dầu nên cao hơn. Và khi giá dầu thấp hơn, các nền kinh tế đang phát triển sẽ được hưởng lợi.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) tuần này đưa tin rằng trong khi Cục Dự trữ Trung ương Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vẫn duy trì nhịp tăng lãi suất, thì các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á đã ngừng thắt chặt tiền tệ hoặc đang chuẩn bị kết thúc.
Báo cáo của WSJ lấy ví dụ về Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Philippines, đồng thời lưu ý rằng trong ba tháng qua, giá dầu đã giảm khoảng 10% và tương đương với giảm 38% kể từ mức đỉnh của năm ngoái.
Với việc các nền kinh tế Đông Nam Á phần lớn nằm ngoài khỏi tầm ảnh hưởng nếu như xảy ra khủng hoảng ngân hàng ở phương Tây, WSJ cho rằng các nền kinh tế này có khả năng tăng trưởng vượt trội so với các nền kinh tế phát triển, mặc dù một số nền kinh tế định hướng xuất khẩu nhất trong số đó có thể sẽ chịu tác động bất lợi của sự suy giảm trong tăng trưởng của phương Tây.
Nói cách khác, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sắp vượt trội so với các nền kinh tế đã phát triển, bởi vì họ được tiếp cận với nguồn dầu rẻ hơn, một phần là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và một phần là do cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Trong khi đó, ở phương Tây, các chính phủ đang tập trung vào việc giảm nhu cầu về dầu và khí đốt bằng cách lên kế hoạch xây dựng quy mô lớn các dự án năng lượng gió và mặt trời. Những công trình xây dựng này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và việc xây dựng chuỗi cung ứng cho chúng cũng sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD vì cả châu Âu và Mỹ ít nhiều đều làm lại từ đầu sau khi Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng hiện tại.
Nói về Trung Quốc, cường quốc châu Á này sẽ là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ tình hình hiện tại. Đây là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và bất kỳ xu hướng giảm giá nào cũng đều có lợi cho họ.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Các nhà phân tích gọi đó là điều đáng thất vọng, bởi nó thấp hơn so với mức tăng trưởng của Trung Quốc những năm trước. Nhưng nếu so với tốc độ tăng trưởng dự kiến ở Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay, mục tiêu 5% của Trung Quốc vẫn rất lớn.
Dầu thô Brent đang giao dịch ở mức dưới 78 USD/thùng tại thời điểm ngày 27/3. Dầu West Texas gần 70 USD/thùng. Trong khi những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng dường như bắt đầu lắng xuống, thì cần một khoảng thời gian nữa giá cả mới có sự thay đổi liên quan.
Đầu tuần qua, hãng Reuters đưa tin các quỹ phòng hộ đang bán phá giá hợp đồng dầu tương lai cùng các hợp đồng khác với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm, do dự đoán về một cuộc khủng hoảng tín dụng và hậu quả là suy thoái kinh tế.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế ở phương Tây là khó rũ bỏ. Một số nhà phân tích còn lập luận rằng suy thoái đã diễn ra. Những người khác lại tranh luận về các khái niệm và liệu một cuộc suy thoái có thực sự là điều tồi tệ hay không.
Tuy nhiên, khi tình trạng trên còn tiếp diễn, những lo ngại và xu hướng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu cho đến khi nguồn cung thắt chặt rõ rệt - điều mà hầu hết các nhà phân tích dự đoán sẽ xảy ra vào nửa cuối năm nay.
Khi nguồn cung dầu bị thắt chặt, giá chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, các quốc gia đang phát triển ở châu Á có thể đã dự trữ dầu thô giá phải chăng hơn để giúp cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của họ.