Theo đài RT, trong một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) sau khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm 15% chỉ trong một ngày, ông Scholz nói: “Deutsche Bank về cơ bản đã hiện đại hóa và tổ chức lại mô hình kinh doanh, là một ngân hàng rất có lợi nhuận. Không có lý do gì để lo lắng về bất cứ điều gì”.
Thủ tướng Đức đưa ra phát biểu trên sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde.
Những lo ngại trêm thị trường không suy giảm cho dù ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ đã giải cứu khẩn cấp ngân hàng Credit Suisse.
Giá cổ phiếu của UBS cũng giảm 6% vào ngày 24/3. Cổ phiếu của Commerzbank (Đức) và Societe Generale (Pháp) cũng giảm lần lượt 9% và 7% giá trị.
Tuy nhiên, bất chấp các diễn biến trên, Thủ tướng Scholz khẳng định rằng hoạt động giám sát ngân hàng của EU vẫn mạnh mẽ và ổn định. Ông nói: “Trong nhiều năm nay, chúng tôi đã đưa ra những quyết định rất đúng đắn liên quan đến sự ổn định của các ngân hàng của chúng tôi ở châu Âu”.
Theo một quan chức EU, bà Lagarde cũng đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro là lĩnh vực ngân hàng của khối này mạnh và đảm bảo với họ rằng ECB sẽ cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng khu vực đồng euro nếu cần.
Trước đó, giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã trượt dốc ngày 24/3 trong khi chi phí bảo hiểm vỡ nợ của ngân hàng này tăng vọt. Theo CNBC, rắc rối của Deutsche Bank xảy ra trong bối cảnh ngân hàng này bị cuốn vào cơn hoảng loạn của thị trường liên quan tới sự ổn định của khu vực ngân hàng châu Âu.
Dù giá cổ phiếu giảm mạnh nhưng các nhà phân tích cho rằng Deutsche Bank sẽ không trở thành một Credit Suisse thứ hai.
Deutsche Bank đã trải qua một đợt tái cơ cấu trị giá hàng tỷ euro trong những năm gần đây nhằm giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này đã ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.
Tỷ lệ vốn cấp 1 (CET1 - thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng) của Deutsche Bank ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là 142% và tỷ lệ vốn lưu động ròng ổn định là 119%. Những số liệu này cho thấy không có bất kỳ nguyên nhân nào gây lo ngại về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của Deutsche Bank.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng trong cuộc chiến chống lạm phát, ECB không nên sớm từ bỏ tăng lãi suất.
Phát biểu tại Viện Chính sách Kinh tế và Tiền tệ OMFIF ở Scotland, Chủ tịch Nagel cho biết, thời gian qua, ban lãnh đạo ECB đã thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Chỉ trong vòng 9 tháng (từ tháng 7/2022), ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng euro vẫn ở mức 8,5% trong tháng 2 vừa qua, còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó, cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.
Chủ tịch Nagel cho rằng nếu tình hình lạm phát của khu vực đồng euro diễn biến theo đúng dự báo (ở mức 5,3% trong năm nay), ECB không nên chấm dứt chuỗi thắt chặt chính sách tiền tệ, vì khu vực đồng euro vẫn chưa giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Đối với nền kinh tế Đức, Chủ tịch Nagel cho biết dựa trên các dữ liệu mới nhất, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng năm 2023 có thể sẽ ở mức gần 6%.
Về tăng trưởng kinh tế, trong dự báo mới đây, Ngân hàng Trung ương Đức cho rằng do lạm phát kéo dài, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục đà suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng với mức độ thấp hơn so với quý cuối cùng của năm 2022. Dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức sẽ giảm đáng kể trong tháng 3 này. Trước đó trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.