Theo đài RT (Nga), Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 15/4 cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ không thăm Ukraine, một ngày sau khi chính nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông đã sẵn sàng thực hiện chuyến đi.
Những tuần gần đây, một loạt các nhà lãnh đạo thế giới đã đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ Ukraine, và mặc dù ông Biden sẽ không tiếp bước họ, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã ở Kiev, yêu cầu viện trợ thêm vũ khí cho chính phủ của Tổng thống Zelensky.
Ngày 14/4, khi được hỏi ông có sẵn sàng đến Kiev hay không, Tổng thống Biden trả lời với một phóng viên rằng ông "có". Tuy nhiên, một ngày sau, nữ phát ngôn viên Psaki khẳng định điều ngược lại.
"Ông ấy sẵn sàng cho bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ không cử tổng thống đến Ukraine”, bà Psaki nhấn mạnh.
Mặc dù ông Biden đã cam kết hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chuyến đi tới Ba Lan vào tháng trước là chuyến đi gần nhất với Ukraine mà ông thực hiện kể từ khi Nga tiến hành chiến dịchquân sự tại nước này vào tháng 2.
Bà Psaki cho biết rằng việc nhập cảnh vào Ukraine từ Ba Lan sẽ liên quan đến một "chuyến tàu kéo dài 8 giờ qua vùng chiến sự", đó là điều "không có trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ."
Đầu tuần này, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng đã yêu cầu ông Biden không đến thăm Kiev, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp ông Zelensky ở đó vào cuối tuần trước. Ngoài ông Johnson, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cũng đã tới thăm thủ đô Ukraine, và tương tự là các nhà lãnh đạo của Áo, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với NBC News, thay vì đến Ukraine, ông Biden “ngồi trong Phòng Bầu dục và Phòng Tình huống hàng ngày, tổ chức và phối hợp thế giới về việc chuyển giao vũ khí.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đang xem xét cử một quan chức hàng đầu - có thể là Ngoại trưởng Anthony Blinken hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - đến Kiev để thể hiện sự ủng hộ - theo tờ Politico đưa tin hôm 12/4.
Tổng thống Biden đã công bố chuyến hàng vũ khí mới nhất của Mỹ tới Ukraine vào cùng ngày 12/4. Gói 800 triệu USD bao gồm pháo hạng nặng, máy bay trực thăng và máy bay không người lái tự động tấn công liều chết. Theo báo cáo của CNN vào 15/4, chuyến bay đầu tiên của lô hàng này dự kiến đến khu vực chỉ trong vòng một ngày.
Trong một diễn biến khác, theo đài RT, một nhóm tàu chiến của NATO thuộc Nhóm hàng hải NATO thường trực 1 (SNMG1) và Nhóm Đối phó bom mìn NATO thường trực 1 (SNMCMG1) đã bắt đầu đến Biển Baltic để tham gia các cuộc tập trận chung. Một số tàu đã cập cảng ở Tallinn, Estonia, theo thông cáo báo chí của NATO công bố ngày 14/4.
SNMG1 bao gồm các chiến hạm của Hà Lan, Đan Mạch, Đức và Anh, trong khi SNMCMG1 bao gồm các tàu rải thuỷ lôi và quét thuỷ lôi của Na Uy, Bỉ, Đức, Estonia, Anh và Hà Lan.
Trước đó, đầu tuần này, NATO tuyên bố "thường xuyên triển khai các lực lượng hàng hải ở Biển Baltic để duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy và phù hợp với các nghĩa vụ của hiệp ước".
Đây là hai trong tổng số bốn nhóm đặc nhiệm bao gồm các tàu từ các quốc gia đồng minh khác nhau liên tục có mặt với tư cách NATO để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, từ tham gia tập trận cho đến các nhiệm vụ tác chiến.
Bốn tàu từ nhóm SNMG1 đã đến cảng Tallinn hôm 14/4, nơi chúng phối hợp cùng với tàu khu trục nhỏ HMCS Halifax (FFH 330) của Canada. Nhóm này sẽ tiến hành các hoạt động định kỳ và các cuộc tập trận chung với Hải quân Estonia vào tuần tới, nhằm “cải thiện khả năng tương tác giữa các lực lượng NATO và tăng cường kiến thức chung về các chiến thuật hàng hải, đồng thời thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các thủy thủ, sự hiểu biết văn hóa và tin cậy” - theo thông cáo báo chí của NATO.