Tờ Nam Đức (Süddeutsche Zeitung) dẫn bình luận của ông Wolfgang Steiger - Tổng thư ký Hội đồng kinh tế của đảng liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho rằng, đại dịch COVID-19 đang “thử thách nền kinh tế Đức” và EU nên xem xét “trì hoãn các mục tiêu chính sách khí hậu”.
Ông Steiger nhận định rằng, sự sụp đổ của nền kinh tế do đại dịch có thể dẫn đến sự “phi công nghiệp hóa” mới ở Đức. Các chuyên gia dự đoán, suy thoái kinh tế toàn cầu là kết quả của việc đóng cửa kinh doanh và sa thải nhân viên. Đức đã cung cấp viện trợ tài chính cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế của chính phủ nhằm giảm sự lây lan của dịch. Chính phủ đã cam kết chi gói viện trợ khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro trong tháng 3 để thúc đẩy nền kinh tế. Theo ông Steiger, gói kích thích lớn chỉ hiệu quả khi không phải chịu gánh nặng tài chính cho các mục tiêu biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze đã lên tiếng cảnh báo về việc chống lại kết nối giữa “bảo vệ khí hậu và thịnh vượng kinh tế”. Bà Svenja cho rằng, có thể sử dụng lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 để thúc đẩy kinh tế bền vững mà vẫn bảo đảm yếu tố khí hậu.
Các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng vào năm 2030 của EU bao gồm: Cắt giảm 40% lượng khí thải CO2 và ít nhất 32% thị phần cho năng lượng tái tạo. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết rằng, một lượng lớn ngân sách của khối sẽ dành cho việc đạt được Thỏa thuận xanh của EU. Trong cuộc họp vào ngày 26/3, các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị ủy ban châu Âu bắt đầu thực hiện kế hoạch phục hồi toàn diện trước khủng hoảng dịch COVID-19, kết hợp chuyển đổi xanh.