Theo tờ Finnancial Times (FT), nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm gần 18 tỉ USD trái phiếu Trung Quốc mà họ nắm giữ trong tháng 3 vừa qua, tạo ra tháng kỉ lục về dòng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ra lượng trái phiếu trị giá 131 tỉ nhân dân tệ (17,6 tỉ USD) trong tháng 3, đưa tổng lượng thoái vốn qua kênh trái phiếu trong hai tháng gần đây lên 193 tỉ nhân dân tệ (30 tỉ USD). Nguyên nhân là do sự xuất hiện nhiều yếu tố không thuận, làm xấu đi triển vọng kinh tế Trung Quốc. Cùng lúc, trái phiếu Mỹ cũng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
“Đây là lượng rút vốn lớn kỉ lục kể từ khi Trung Quốc bắt tay mở cửa thị trường trái phiếu trong nước”, Becky Liu, giám đốc bộ phận chiến lược vĩ mô tại Ngân hàng Standard Chartered nhận định. Theo bà Liu, nếu tính cả lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, lượng vốn mà khối ngoại rút khỏi thị trường Trung Quốc trong hai tháng qua lên đến 234 tỉ nhân dân tệ (36,4 tỉ USD) và dự kiến xu hướng này còn tiếp diễn sang quý 2.
Giới đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua đã hướng đến thị trường trái phiếu Trung Quốc, coi đây là kênh tìm kiếm lợi nhuận tốt trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng, kích thích kinh tế, chi phí vốn vay rơi xuống mức kỉ lục. Dòng chảy hiện đảo ngược, khi ngân hàng trung ương các nước phương Tây bắt tay tăng lãi suất, còn Trung Quốc nỗ lực tìm cách trung hòa đứt gãy kinh tế do các lệnh phong tỏa được dựng lên để phòng chống COVID-19.
Kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạn 10 năm lên mức 2,9% trong tuần này. Trong khi đó kỳ vọng về khả năng Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế khiến lợi suất trái phiếu 10 năm của nước này đứng ở mức 2,8% trong các phiên giao dịch gần đây. Lệch pha trong điều hành chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang tác động đến đồng nội tệ của Trung Quốc, khi đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 10/2021.
Theo Jason Pang, quản lý lý cấp cao mảng danh mục đầu tư tại quỹ JPMorgan Asset ở Hong Kong, nhân tố kích thích xu hướng thoái vốn khỏi thị trường đại lục gần đây là hoạt động chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận của giới đầu tư toàn cầu, sau một năm trái phiếu Trung Quốc ghi dấu ấn tích cực, vượt ngưỡng kỳ vọng.
Giới đầu tư và nghiên cứu chiến lược cho rằng trái phiếu Trung Quốc giảm độ hấp dẫn, nhưng vẫn đáng để nhà đầu tư quan tâm nếu so sánh với lợi suất trái phiếu Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát. Triển vọng dài hạn đối với thị trường trái phiếu Trung Quốc không thay đổi, vẫn tích cực.
Theo bà Liu tại Standard Chartered, có thể làn sóng thoái vốn đã đạt đỉnh, vốn ngoại có thể quay trở lại Trung Quốc trong thời gian tới. Nhưng khoảng cách về lợi suất trái phiếu Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh có ít đi lựa chọn khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn với suy giảm tăng trưởng.
Bất chấp làn sóng phong tỏa kiểm soát dịch bệnh gây đứt gãy kinh tế tại đại lục trong hai năm qua, PBoC đến thời điểm này vẫn tỏ ra do dự trước cách tiếp cận tăng cường kích thích kinh tế, không có các bước đi nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay vốn có thể đẩy lợi suất trái phiếu Trung Quốc xuống thấp hơn nữa, kích thích dòng vốn chảy khỏi nước này để tới những nơi có mức lợi nhuận cao hơn.