Nhà báo Nga Sergey Afonin: “Phạm Văn Đồng - người bạn chân thành”

Nhân dịp 105 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906 – 1/3/2011), phóng viên TTXVN thường trú tại Mátxcơva đã có cuộc trao đổi với nhà Việt Nam học người Nga Sergey Afonin về những kỷ niệm đáng nhớ của ông trong những lần gặp đồng chí Phạm Văn Đồng. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Xin chào nhà báo, nhà Việt Nam học Sergey Afonin, ông có thể cho biết lần đầu tiên ông được gặp đồng chí Phạm Văn Đồng là khi nào?

- Tôi may mắn được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều lần.

Nhà báo Sergey Afonin phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1967.


Mùa thu năm 1964, tôi bất ngờ được mời đến một dinh thự của chính phủ (Liên Xô) trên đồi Lênin, nơi Thủ tướng của Việt Nam nghỉ chân. Ngay trước đó, trong Điện Kremlin đã diễn ra sự thay đổi chính quyền và nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm rất nhiều vấn đề, đặc biệt là triển vọng mối quan hệ giữa hai nước. Vị khách quý muốn nói chuyện với tôi về đề tài thanh niên, bởi khi đó, tôi là chuyên viên của Ban Đối ngoại Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Lênin toàn Nga và có thể nói tiếng Việt. T

ất nhiên, tôi đã lo lắng; nhưng ngay từ những lời nói đầu tiên của vị khách ấy, tôi hiểu rằng đây là một người rất chân thành, thân thiện và cởi mở. Сhúng tôi chậm rãi tản bộ dọc theo con đường của công viên và nói về nhiều chủ đề. Những gì đã xảy ra tại Việt Nam, tôi cũng nắm được không đến nỗi tồi. Về các vấn đề thanh thiếu niên Liên Xô, tôi đã cố gắng để trả lời đầy đủ, khách quan, nhấn mạnh rằng không có sức mạnh nào phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Khi chia tay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ôm tôi và nói rằng chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau trong tương lai. Và điều đó đã xảy ra.

Chiến tranh ở Việt Nam do Mỹ tiến hành nổ ra. Hàng ngàn tình nguyện viên Liên Xô đã sang giúp Việt Nam giáng trả cuộc xâm lược của Mỹ. Năm 1967, tôi được cử sang công tác tại Việt Nam với tư cách phóng viên thường trú của hãng thông tấn TASS và báo Komsomolskaya Pravda.

Và ông đã có cơ hội phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Đồng?

- Vâng, đồng chí sẵn sàng trả lời phỏng vấn của tôi vào dịp tổng kết cuối năm. Đồng chí luôn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược Mỹ và bọn tay sai. Thủ tướng cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự hỗ trợ hiệu quả của Liên Xô.

Một lần, khi cuộc trao đổi của chúng tôi sắp kết thúc, tôi quyết định đọc cho Thủ tướng nghe lá thư của mẹ tôi gửi cho tôi. Trong thư, bà bày tỏ tình yêu và sự tôn trọng đối với nhân dân Việt Nam anh hùng, niềm tin vào chiến thắng của Việt Nam trước kẻ thù, mong muốn mỗi gia đình Việt Nam sớm được đoàn tụ sau nhiều năm xa cách.

Tôi nói thêm rằng cha tôi cũng đã hy sinh ở Stalingrad, còn mẹ tôi bị thương nặng vì mảnh bom. Một khoảnh khắc yên lặng. Phạm Văn Đồng rất cảm động và tôi nhận thấy trong đôi mắt của đồng chí ánh lên những giọt nước mắt. Sau đó, đồng chí nói: "Tôi nghĩ rằng nhân dân Liên Xô là những người gần gũi nhất với nhân dân chúng tôi trong cuộc chiến tranh này. Các bạn cũng từng trải qua chiến tranh và biết giá trị của lòng dũng cảm và cái giá phải hy sinh. Tôi tin tưởng rằng nhân dân Liên Xô sẽ thực sự cảm nhận được niềm vui nếu chúng tôi giành chiến thắng. Tôi còn muốn nói thêm là trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhân dân Liên Xô không chỉ chiến đấu cho đất nước mình, hy sinh không chỉ cho bản thân mà vì lợi ích chung của nhân dân thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, chúng tôi đã chiến đấu và hy sinh không chỉ cho bản thân, mà vì những lợi ích to lớn như thế".

Như tôi được biết thì sau đó ông đã chuyển sang làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô?

- Vâng, mùa xuân năm 1975 - mùa xuân Đại thắng của nhân dân Việt Nam - tôi chuyển sang làm chuyên viên ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi được gặp gỡ thường xuyên hơn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng mỗi lần đồng chí tới thăm Mátxcơva. Vào buổi sáng, Thủ tướng thường muốn nghe tổng hợp ngắn về báo chí Liên Xô. Trong các bữa ăn sáng hay ăn tối, đồng chí quan tâm đến các chủ đề khác nhau, tùy thuộc tâm trạng, chẳng hạn như đề tài động vật hoang dã. Biết được điều này, tôi thường xem trước Từ điển bách khoa nên Thủ tướng rất chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng tán thưởng: "Cái này thú vị thật đấy!". Sau đó, đồng chí lao vào làm việc.

Ông có thể nói gì về tính cách của Thủ tướng Phạm Văn Đồng?

Phạm Văn Đồng là một con người có ý chí sắt đá và tràn đầy tự tin. Tôi được biết thời kỳ trước cách mạng, các đồng chí Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn cùng các tù chính trị khác ở nhà tù Côn Đảo từng rơi vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Một buổi sáng, bọn cai tù Côn Đảo đưa các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ ra sân, bắt họ đứng cạnh bờ tường và tuyên bố: "Ai từ bỏ Liên Xô, người ấy được sống, còn lại sẽ bị xử bắn". Nhìn thẳng vào nòng súng, đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn – những nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sau này - và gần hai trăm tù nhân khác đã không dao động và không chịu phản bội Liên Xô. Điều đó đã khiến kẻ thù hoang mang và không dám hành quyết hàng loạt. Đồng thời, Phạm Văn Đồng là một người hiền lành và vui tính.

Khi đồng chí tán thưởng những câu chuyện cười do người khác kể, vẻ tự nhiên và giản dị của đồng chí khiến không ai nghĩ rằng Phạm Văn Đồng đang giữ một chức vụ quan trọng như vậy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp gỡ và làm việc với nhiều vị khách thuộc nhiều cơ quan khác nhau của Liên Xô và họ đã chia sẻ với tôi cảm tưởng về Phạm Văn Đồng: “Đúng là một con người dễ chịu!”. Lần cuối cùng, khi tôi tiễn đồng chí về nước, Phạm Văn Đồng nói với tôi: “Sergey này, tôi sẽ còn quay lại Mátxcơva. Chúc đồng chí mọi điều tốt lành!”. Về phần mình, tôi chúc Thủ tướng mạnh khỏe, bảo trọng và nhờ Thủ tướng chuyển lời chào thân thiết đến những người thân của đồng chí. Như những lần trước, đồng chí ôm tạm biệt tôi. Tôi không bao giờ quên con người tuyệt vời này.

Hồng Quân (P/v TTXVN tại LB Nga thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN