Nguyên nhân khiến thuốc giảm đau nhóm opiod tràn lan ở Mỹ

Theo một báo cáo của The New York Times ngày 17/12, các công ty quản lý lợi ích dược phẩm (PBMs) của Mỹ đã thu về hàng tỷ USD từ các thỏa thuận ngầm với các nhà sản xuất thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) để đổi lấy việc không hạn chế việc lưu hành dòng thuốc này ra thị trường. Trong khi đó, hàng chục nghìn người Mỹ đã tử vong do sử dụng quá liều thuốc giảm đau kê đơn này.

Báo cáo nêu rõ chi tiết của những thỏa thuận ngầm đã "phơi bày” sự thật mà ít người biết liên quan đến cuộc khủng hoảng opioid, cho thấy cách thức hoạt động của các công ty đứng sau chuỗi cung ứng thuốc kê đơn.       

PBMs có quyền kiểm soát đáng kể đối với loại thuốc mà người dân có thể tiếp cận và giá cả dược phẩm. 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này gồm Express Scripts, CVS Caremark và Optum Rx. Báo cáo chỉ ra các công ty trên đã giám sát đơn thuốc cho hơn 200 triệu người Mỹ và đều thuộc các tập đoàn y tế lớn trong danh sách Fortune 500.

Các PBMs được thuê để kiểm soát giá thành thuốc thông qua thương lượng giảm giá với các nhà sản xuất dược phẩm. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng các PBMs thường theo đuổi lợi ích tài chính riêng, khiến chi phí của bệnh nhân, doanh nghiệp và các chương trình của chính phủ gia tăng, cũng như đẩy các nhà thuốc độc lập đến bờ vực phá sản. Các cơ quan quản lý từng cáo buộc các PBMs lớn nhất về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Báo cáo của The New York Times còn cho thấy một thực tế là dường như mọi thứ, trong đó có cả các biện pháp bảo vệ bệnh nhân và ngăn chặn lạm dụng thuốc, đều có thể thương lượng.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong năm 2023, có tới gần 8,6 triệu người dân Mỹ trên 12 tuổi thừa nhận đã lạm dụng thuốc giảm đau opioid kê đơn. Trong số này, hơn 2/3 cho biết mục đích lạm dụng là để giảm đau thể chất và hơn 1/4 lấy thuốc từ bạn bè hoặc người thân. Cũng trong năm 2024, có tới hơn 5 triệu người dân Mỹ trên 12 tuổi mắc rối loạn sử dụng thuốc kê đơn. Từ năm 1999 đến 2022, khoảng 294.000 người đã tử vong do sử dụng quá liều.

Lan Phương (TTXVN)
Thu hồi lô thuốc giảm đau SOS Fever Fort không đạt chất lượng
Thu hồi lô thuốc giảm đau SOS Fever Fort không đạt chất lượng

Hà Nội vừa có thông báo thu hồi thuốc SOS Fever Fort do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN