Nguy cơ vũ khí Mỹ gửi cho Ukraine biến thành ‘sắt vụn’ nếu bị hỏng

Ukraine không thể bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống vũ khí phức tạp của Mỹ và NATO. Nếu hỏng, những vũ khí này sẽ trở nên vô dụng.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine phóng tên lửa Javelin của Mỹ. Ảnh: AP

Theo đài RT, sau khi đề nghị Mỹ và các thành viên NATO cung cấp vũ khí hạng nặng để phòng thủ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như đã được đáp ứng. Ngày 28/4, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép Mỹ nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Ukraine theo dạng cho mượn. Đây là bản sửa đổi một đạo luật có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Hạ viện đã gửi luật sửa đổi này cho Tổng thống Joe Biden và ông dự kiến ​​sẽ ký ban hành. Thượng viện Mỹ trước đó đã nhất trí thông qua đạo luật này.

Nghị sĩ Dân chủ Jamie Raskin cho biết: “Tổng thống Zelensky đã nói rằng Ukraine cần vũ khí để duy trì sức mạnh và Tổng thống Biden đã đáp lại lời kêu gọi đó”.

Động thái của Quốc hội diễn ra sau khi Tổng thống Biden phê duyệt khoản viện trợ quân sự bổ sung 33 tỷ USD ngoài khoản gần 3 tỷ USD đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột với Nga. Trong khi phần lớn các lô hàng vũ khí trước đó tập trung vào vũ khí hạng nhẹ như tên lửa chống tăng và hệ thống phòng không di động, thì gói hỗ trợ mới tập trung vào vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như lựu pháo và xe chiến đấu bọc thép.

Đối với mỗi thiết bị hạng nặng mà quân đội Ukraine sắp nhận được trong khuôn khổ đợt viện trợ quân sự khổng lồ do Mỹ cung cấp, có một thực tế quan trọng nhưng chưa ai nói tới đó là vấn đề bảo dưỡng và tính bền vững của vũ khí. Nói một cách đơn giản, nếu vũ khí hạng nặng bị hỏng thì không thể sử dụng nó. Hỏng hóc là điều thường xảy ra với các thiết bị quân sự vì thường xuyên phải hoạt động trên chiến trường.

Ví dụ như lựu pháo kéo M777 155mm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine với số lượng khoảng 90 khẩu. Đây là loại lựu pháo nhẹ, dễ vận chuyển và được dùng để thay thế cho lựu pháo M198 được Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 2000. Để có trọng lượng nhẹ, lựu pháo này đã phải hi sinh một số tính năng mà trong điều kiện chiến đấu đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như mất ổn định và bị giật mạnh khi bắn. Có nhiều vấn đề mà M777 phải đối mặt xoay quanh các vật liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất, như sử dụng titan thay thép. Mặc dù titan rất bền nhưng các hợp kim titan lại kém linh hoạt hơn nhiều, khiến chúng dễ bị mỏi kim loại hơn. Hơn nữa, loại pháo này quá nhẹ so với loại đạn kích thước155 mm. Khi bắn ra một viên đạn và thuốc phóng nhất định thì vũ khí càng nhẹ, độ giật của nó càng dữ dội. Điều này dẫn đến việc các cơ chế hấp thụ độ giật trên M777 nhanh chóng giảm hiệu quả.

Kinh nghiệm của Lục quân Mỹ cho thấy hiệu quả chiến đấu của một đơn vị pháo được trang bị M777 bắt đầu suy giảm vào khoảng ngày thứ tư hoạt động, chủ yếu là do các vấn đề bảo trì. Khi không được giải quyết vấn đề này, đơn vị được trang bị M777 có thể hoàn toàn không có khả năng chiến đấu trong vòng một tuần.

Giải pháp của Lục quân Mỹ là điều trước phụ tùng thay thế và nhân viên có tay nghề đến thực địa để bảo trì. Đây là giải pháp chỉ có thể được thực hiện nếu có các đơn vị được đào tạo chuyên sâu và có cơ sở hạ tầng hậu cần.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Wikipedia

Trong khi đó, quân đội Ukraine đang trải qua quá trình huấn luyện sử dụng hệ thống M777 tại trung tâm huấn luyện của Quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức. Họ sẽ tập trung vào các yêu cầu nhân lực để vận hành M777 (cần kíp lái 8 người) nhưng không tập trung vào bảo dưỡng hệ thống trong chiến đấu. Nhưng ngay cả khi những vũ khí này đến được tiền tuyến, tính phức tạp của hệ thống sẽ khiến nó hoạt động kém hiệu quả và sớm muộn gì lựu pháo M777 cũng sẽ bị hỏng mà không có phương tiện sửa chữa.

Các vấn đề hậu cần của M777 cũng sẽ xảy ra với từng hạng mục thiết bị quân sự hạng nặng mà Mỹ và các đồng minh NATO đang cung cấp cho Ukraine, ví dụ như 200 xe bọc thép chở quân lỗi thời, khác hoàn toàn với vũ khí trong kho của quân đội Ukraine. Điều đó có nghĩa là không có ai đủ điều kiện để bảo trì hoặc sửa chữa ở Ukraine.

Ngoài ra, còn có 50 xe bọc thép phòng không Gepard từ năm 1960 do Đức gửi tới. Xe này có động cơ riêng biệt để đẩy và cung cấp năng lượng cho tháp pháo, khiến công việc bảo trì tăng gấp đôi. Khi Mỹ và NATO cung cấp cho Ukraine các thiết bị cũ, chúng sẽ chắc chắn hỏng nhanh chóng trong các điều kiện chiến đấu mà Ukraine không được hỗ trợ về mặt hậu cần.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, gần đây đã đến thăm Ukraine và bà nói với Tổng thống Zelensky: “Mỹ sát cánh với Ukraine. Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine cho đến khi giành được chiến thắng. Cam kết của chúng tôi là ở đó vì các bạn cho đến khi cuộc chiến kết thúc”.

Theo cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ Scott Ritter, chuyến thăm của bà Pelosi là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đã cam kết giúp Ukraine giành ưu thế trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Nhưng thực tế thì khác xa khi Mỹ cung cấp cho Ukraine thiết bị được bảo đảm là có thể hỏng ngay sau khi tham chiến và Ukraine không có cơ sở hạ tầng để bảo trì và sửa chữa số vũ khí này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quốc hội Mỹ phê chuẩn chương trình vũ khí như trong Thế chiến 2 cho Ukraine
Quốc hội Mỹ phê chuẩn chương trình vũ khí như trong Thế chiến 2 cho Ukraine

Đạo luật “Cho mượn - cho thuê quốc phòng dân chủ Ukraine” vừa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn đã xoá bỏ các hạn chế về chuyển giao vũ khí cho Kiev, cho phép Mỹ thực hiện một chương trình như trong Thế chiến 2 với Anh và Liên Xô giúp đánh bại Hitler.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN