Nước Anh đang trong tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters |
Trong văn bản khuyến nghị, chính quyền trung ương Anh khẳng định các dự luật vừa thông qua của xứ Scotland và xứ Wales đều vượt quá quyền hạn của các vùng lãnh thổ này, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra sự không rõ ràng về pháp lý đối với các cá nhân và doanh nghiệp thời kỳ hậu Brexit.
Theo Tổng công tố của Chính phủ Anh, ông Jeremy Wright, khuyến nghị của Chính phủ Anh lên Tòa án Tối cao là một biện pháp bảo vệ lợi ích công chúng và ông hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết mà không để xảy ra cuộc chiến pháp lý.
Trước đó, ngày 21/3, chính quyền các vùng lãnh thổ Scotland và xứ Wales đã thông qua "các dự luật nối tiếp" để đảm bảo các cơ quan lập pháp tại Edinburgh và Cardiff cũng có được những quyền hạn trong đàm phán với EU về giai đoạn hậu Brexit thay vì chỉ tập trung vào Quốc hội Anh.
Người phụ trách vấn đề Brexit của Scotland, ông Michael Russell cho rằng dự luật nói trên là một phần quan trọng và thiết yếu trong hệ thống pháp lý chuẩn bị cho các đạo luật của Scotland về Brexit, trong khi vẫn bảo vệ được quyền lực của cơ quan lập pháp Scotland do người dân bầu chọn.
Hiện cả Edinburgh và Cardiff cáo buộc chính phủ trung ương Anh cố tình thâu tóm quyền lực để tập trung mọi quyền lực ở London và gia tăng sức ép buộc mọi thay đổi quanh dự luật Brexit phải được Quốc hội thông qua mà mục đích của hành động này là ngăn chặn dự luật này được thông qua.
Trong khi đó, chính phủ trung ương Anh bác bỏ cáo buộc trên. Theo chủ trương của chính phủ Thủ tướng Anh Theresa May, sau Brexit, trước tiên London sẽ nắm mọi quyền hạn để tránh trường hợp các vùng lãnh thổ có những quy định khác nhau, có thể gây rối loạn hoạt động trao đổi thương mại trong nước.