Cảnh ngập lụt tại Guwahati, bang Assam (Ấn Độ) ngày 13/6/2017. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo bài phân tích đăng trên tờ Jakarta Post, nước biển dâng do hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt đối với các quốc ven biển vào giữa thế kỷ, nhất là ở các vùng nhiệt đới. Báo cáo của tạp chí Scientific cho rằng mực nước biển toàn cầu vào năm 2050 sẽ tăng lên, dẫn đến làm tăng gấp đôi nguy cơ lũ lụt ở các quốc gia cũng như các thành phố ven biển. Các thành phố lớn dọc bờ biển ở Bắc Mỹ như Vancouver, Seattle, San Francisco và Los Angeles cùng với các thành phố dọc theo bờ biển ở châu Đại Tây Dương sẽ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại các quốc gia nhiệt đới, cư dân sống dọc các con sông lớn cũng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt với tần suất tăng gấp đôi hiện nay, đặc biệt là người dân ở các quốc gia có mật độ dân số cao như ở châu Á và châu Phi. Ngay cả ở các thành phố như Mumbai, Kochi, Abidjan và nhiều thành phố khác ở những nơi cao hơn so với mực nước biển cũng phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nặng nề.
Theo ông Sean Vitousek - nhà khoa học về khí hậu thuộc Đại học Illinois, Chicago (Mỹ), các đảo nhỏ bé vốn dễ bị ngập lụt thậm chí phải đương đầu với nguy cơ tệ hại hơn là bị xóa sổ. Ông nhấn mạnh sự gia tăng tần suất lũ lụt với biến đổi khí hậu sẽ thách thức sự tồn tại và tính bền vững của các cộng đồng ven biển trên toàn cầu.
Lụt lội ở các thành phố ven biển là do bão lớn và càng trở nên tồi tệ hơn khi các đợt sóng lớn và thủy triều dâng cao. Cơn bão Sandy ở Mỹ (năm 2012) đã gây thiệt hại hàng chục tỷ USD, cơn bão Haiyan ở Philippines (năm 2013) đã làm cho hơn 7.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Những trận bão này đi qua đều gây ra những trận lũ lụt kinh hoàng.
Nếu nước biển tăng thêm đến 25 cm vào giữa thế kỷ, lũ lụt sẽ thực sự là thảm họa khôn lường đối với các quốc gia ở vùng nhiệt đới. Theo dự báo của Cục Quản lý Khí hậu và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng lên đến 2,5 m vào năm 2100. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 1 độ C (tương đương 1,6 độ F) kể từ giữa thế kỷ 19 và điều đó đã để lại hậu quả nặng nề trong vòng 70 năm qua.