Ở thành phố Yekaterinburg, thủ phủ vùng Ural của nước Nga, có một cô giáo như vậy của các em nhỏ Việt. Với trái tim người mẹ, cô không chỉ tìm ra phương thức truyền đạt tiếng Nga hiệu quả, mà còn giúp các em nhỏ Việt Nam cảm thấy thoải mái khi hội nhập với ngôi trường, xã hội nước Nga.
Cô tên là Natalia Sergeievna Shemetikhina. Học sinh Việt Nam vẫn gọi cô với cái tên trìu mến, “Cô Natasha”. Là một giáo viên từng đứng trên bục giảng tại một trường phổ thông ở thành phố Yekaterinburg, do hoàn cảnh gia đình, cô Natalia phải chuyển đến sống ở vùng cực bắc Chukotka của nước Nga.
Tại đó cô Natalia tiếp tục theo đuổi sự nghiệp dạy các em nhỏ ở trường phổ thông. Năm 2004 một sự kiện quan trọng đến với gia đình cô. Đó là cô Natalia sinh con trai đầu lòng Igor. Đến đây sự nghiệp của cô cũng bước sang một bước ngoặt mới.
Cô Natalia kể khi đó buộc phải lựa chọn “hoặc tiếp tục sự nghiệp cô giáo dạy học ở trường hoặc ở nhà dạy dỗ và chăm sóc các con”. Có lẽ vì tình thương quá lớn dành cho các học sinh, cô Natalia kể “lựa chọn này quả thực rất khó khăn với tôi” vì theo cô, giáo viên phổ thông cơ sở thời đại ngày nay rất khó có thể hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ này cùng lúc.
Cô khẳng định: “Dù ở Nga, Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, điều này đều khó khăn”. Và thế là cô quyết định hy sinh sự nghiệp dạy học của mình để ở nhà chăm sóc và dạy dỗ con. Gia đình cô cũng chuyển về Yekaterinburg sống rồi cô sinh thêm người con trai thứ 2 Seriogia năm 2008.
Song cuộc sống có lẽ đã có cách bù đắp cho người phụ nữ nhân hậu. Cô Natalia cho biết, trong một lần các con cô chơi trong sân khu nhà, cậu cả Igor đã kết bạn với các trẻ em Việt Nam. “Bạn Việt Nam đầu tiên của con trai cả tôi tên là Trung. Sau một thời gian, bố bạn Trung đưa đến nhà tôi một cô bé Việt Nam 5 tuổi tên là Anh. Giờ cháu Anh đã 13 tuổi rồi. Bố của Trung đề nghị tôi giúp cháu Anh học tiếng Nga vì cháu sắp vào lớp 1”, cô Natalia cho biết.
Ban đầu, cô Natalia không tự tin trong việc có thể dạy tiếng Nga cho trẻ em Việt, tuy nhiên nhờ những lời động viên và khuyến khích của bố Trung, cô đã quyết định dạy thử. Đến nay cô khẳng định “tôi đã làm được”. Cô tâm sự: “Cháu Anh vẫn học ở trường Nga, nhận được bằng khen, đó là cháu học sinh tuyệt vời, con gái tuyệt vời của tôi, cháu là học sinh giỏi ở trường”.
Trong vòng 7 năm, cô Natalia vừa dạy tiếng Nga vừa chăm sóc cho tổng cộng 17 cháu người Việt. Chúng tôi đến nhà cô đúng dịp các cháu học sinh Việt Nam đến chúc mừng cô nhân dịp năm mới âm lịch. Bàn ăn được cô chuẩn bị sẵn để đón các học sinh Việt Nam của mình đến liên hoan.
Trong buổi liên hoan, cô còn tổ chức chơi trò chơi chung với các cháu, tạo không khí vui vẻ và ấm cúng. Nhìn những đôi mắt bừng sáng, hăng hái của các học sinh Việt khi chơi trong ngôi nhà ấm cúng của cô, tôi hiểu rằng các cháu rất gần gũi với gia đình cô Natalia và đã hòa nhập rất tốt với xã hội nước Nga.
Cô Natalia tâm sự: “Trẻ em Việt Nam hệt như các trẻ em Nga. Tôi rất dễ giao tiếp với chúng. Đương nhiên là tôi với chúng có rào cản về ngôn ngữ và tôi cần phải chọn những từ tiếng Nga dễ hiểu để giải thích cho chúng về bài toán chẳng hạn, hay giải thích từ trong đoạn văn. Tuy nhiên nếu nói về tâm hồn, chúng vẫn là những đưa trẻ. Nghĩa là chẳng có gì khác biệt giữa trẻ em Việt hay trẻ em Nga. Chúng đều hiền lành, trẻ thơ, cởi mở, chân thành. Mục tiêu của tôi không chỉ là dạy chúng nói chuẩn tiếng Nga mà tôi còn muốn chúng cảm thấy thoải mái trong môi trường học tập và vui chơi. Bởi vậy tôi muốn các cháu có thể giao tiếp. Chúng tôi bắt đầu từ những từ thông dụng, tôi không dậy từ mà dậy các đoạn hội thoại cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, và theo thời gian qua những giao tiếp ‘dân dã’ đó chúng hiểu và hòa nhập với cuộc sống”.
Nói với chúng tôi bằng ngôn ngữ tiếng Việt không thạo như tiếng Nga, em Đinh Thị Hồng Ánh, học sinh thứ 2 của cô Natalia, nay đang là học sinh giỏi lớp 10 ở trường phổ thông của Nga cho biết: “Cháu bắt đầu học cô Natalia từ năm lớp 3. Khi sang đây cháu không biết tí gì về tiếng Nga cả. Cô dạy cho cháu và giảng cho cháu hàng ngày nên cháu có thể tự tin giao tiếp với những người Nga khác. Cháu bắt đầu sang từ đầu hè. Cháu học cô 3 tháng và khi đi học cháu đã có thể nói chuyện với các bạn Nga khác”.
Bày tỏ tình cảm của mình, chị Vũ Hương Mai, mẹ cháu Đoàn Vũ Phan Anh, học sinh cô Natalia hiện học lớp 3 trường Nga kể: “Điều mà chúng tôi cảm thấy thực sự cảm động và biết ơn là bởi không những cô dạy cháu mà cô còn dành tình thương cho cháu, tất cả tình thương và sự chăm sóc, coi các cháu như con mình.
Hàng ngày khi đến học cô còn cho ăn súp, uống trà. Cháu lúc nào cũng khen súp của cô rất ngon. Cô tạo sân chơi cho tất cả các bạn Việt Nam ở đây vì cô dạy nhóm học sinh Việt Nam khá đông. Thế là thỉnh thoảng cô lại gọi các bạn đến chơi quây quần trong nhà cô. Chính vì thế thằng bé nhà tôi cảm thấy thoải mái và rất gần gũi. Có lúc bạn ấy đi học ở trường về áo rất bẩn, cô còn thay và giặt áo cho bạn ấy”.
Ở đâu cũng vậy thiên chức của người mẹ luôn là bao bọc và dạy dỗ con cái mình. Và ở nước Nga tuyết trắng, những bà mẹ Việt Nam chắc sẽ vui hơn khi những người mẹ như cô Natalia dành toàn bộ tình cảm từ trái tim cho những “đứa con” Việt của họ.