Đài BBC dẫn nguồn truyền thông Pháp đưa tin tại vùng Ile-de-France tối 29/10 (theo giờ địa phương) đã xảy ra tắc đường kéo dài 700km. Theo chỉ đạo của Tổng thống Emmanuel Macron, toàn nước Pháp sẽ tái phong tỏa từ nửa đêm ngày 30/10 nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết hoặc vì lý do y tế.
Số người chết vì COVID-19 hàng ngày tại Pháp đã ở mức cao nhất kể từ đợt bùng dịch hồi tháng 4. Chỉ riêng ngày 29/10, giới chức y tế nước này ghi nhận 47.637 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 cùng với 250 ca tử vong mới.
Ít giờ trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc mới có hiệu lực, hàng chục ngàn người dân Paris đã vội vã rời khỏi thành phố về vùng ngoại ô “lánh nạn”. (Xem video dưới đây. Nguồn: Dailymail)
Cô Anna, 24 tuổi, chia sẻ với tờ Le Figaro rằng cô đã rời bỏ căn hộ ở Paris để về căn nhà khác của gia đình ở vùng Bernay phía Bắc nước Pháp sống trong thời gian phong tỏa diễn ra. Cô cho biết việc ở lại Paris vào đợt phong tỏa đầu tiên đã khiến cô gặp vấn đề tâm lý. Nhưng tại Bernay, không khí trong lành hơn, cô cảm thấy thoải mái hơn.
Tình trạng di tản ồ ạt tương tự từng xảy ra hồi tháng 3 khi đợt phong tỏa đầu tiên bắt đầu. Lúc đó, một số cư dân vùng khác đã tỏ thái độ bất bình với những người Paris tháo chạy khỏi thủ đô. “Chúng ta yêu cầu người dân ở nhà và người Paris phải ở lại Paris. Bạn có thể hiểu rằng nếu 4.000 người Paris về địa phương và 1/3 họ bị nhiễm virus mà không hay biết, rõ ràng dịch bệnh sẽ lan nhanh chóng”, một nhà bình luận viết trên tờ báo Sud Ouest.
Tuy nhiên, tại đợt bùng dịch đầu tiên, một số vùng của Pháp – cụ thể là Paris và khu vực Đông Bắc – đã bị virus tấn công nặng nề vào thời điểm áp đặt lệnh phong tỏa, trong khi các khu vực khác ghi nhận ít ca nhiễm hơn. Lần này, giới chức y tế cho biết virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lan rộng khắp đất nước.
Cùng lúc đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Brussels đã dành khoản tiền 220 triệu euro để di chuyển bệnh nhân COVID-19 từ các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch sang các quốc gia còn nhiều bệnh viện trống.
Bà cũng kêu gọi nước EU báo cáo dữ liệu về dịch bệnh đồng thời không được đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, bà khẳng định EC không khuyến khích người dân đi lại tự do tại thời điểm này trừ khi thật sự cần thiết.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 511.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 45 triệu ca, trong đó trên 1,18 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 80.000 ca), Ấn Độ (49.281 ca) và Pháp (47.637 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Mỹ (947 ca), Ấn Độ (568 ca) và Brazil (501 ca).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã ghi nhận trên 2 triệu trường hợp nhiễm mới COVID-19 được xác nhận trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.
WHO nêu rõ trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với trên 1,3 triệu ca, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Cơ quan y tế của LHQ cho biết số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước. WHO nhấn mạnh: “Mặc dù số ca tử vong đang dần tăng lên, nhưng tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tương đối thấp so với giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 vào mùa Xuân”.