Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Pakistan là 53,8 °C tại các thành phố Turbat thuộc tỉnh Balochistan và Moenjo Daro thuộc tỉnh Sindh vào ngày 28/5/2017.
Nhiệt độ tăng cao bất thường trong nhiều ngày đã khiến hàng trăm người tại thành phố Lahore phải điều trị sốc nhiệt. Hàng chục người cũng phải nhập viện vì lý do tương tự. Tại Sukkur, chính quyền thành phố đã dựng các lều trại cứu trợ để cấp cứu người sốc nhiệt cũng như phát nước đá miễn phí cho người dân.
Sốc nhiệt là bệnh lý nghiêm trọng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng quá nhanh khiến một người hôn mê. Sốc nhiệt nghiêm trọng thậm chí có thể gây tàn tật hoặc tử vong.
Muôn vàn cách giải nhiệt của người Pakistan (nguồn: Reuters):
Các nhà chức trách đã kêu gọi người dân ở trong nhà, uống đủ nước và tránh đi lại không cần thiết nhưng người lao động cho biết họ cần phải làm việc để kiếm tiền.
Anh Bopal Khan - một công nhân xây dựng - nói rằng anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục công việc dưới cái nóng. “Chúng tôi phải làm việc trong thời tiết nắng nóng này, chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải làm việc và nuôi con, dù trời nóng hay lạnh”, Khan chia sẻ.
Một số người phải ra sông Indus để tắm giải nhiệt dưới cái nóng cực độ. Javed Ahmed - một trong những người tắm trên sông – nói rằng nhà mất điện nên cũng không thấy mát khi ở nhà.
“Chúng tôi đến đây để tự cứu mình khỏi cái nóng khắc nghiệt. Nhiệt độ ở đây khoảng 49 độ C nhưng chúng tôi đã phải chịu đựng 18 giờ mất điện rồi”, anh Javed nói.
Trong một tuyên bố, cơ quan Khí tượng Pakistan cho biết dự báo giông bão và mưa rải rác ở một số nơi sẽ xuất hiện từ ngày 28/5 đến ngày 1/6, chấm dứt chuỗi ngày dài hứng chịu nhiệt độ cực cao.
“Pakistan đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng các quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu”, Ubina Khursheed Alam, điều phối viên về khí hậu của thủ tướng, cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad vào tuần trước.
Các quan chức chỉ ra đợt nắng nóng hiện nay là do biến đổi khí hậu và là thảm họa mới nhất liên quan đến khí hậu xảy ra ở nước này trong những năm gần đây. Sông băng tan chảy và gió mùa ngày càng gia tăng đã gây ra lũ lụt tàn khốc tại Pakistan. Năm 2022, hiện tượng lũ lụt cực đoan cũng đã khiến 1/3 diện tích quốc gia này chìm trong biển nước.