Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva, Thị trưởng Sobyanin thông báo "trong những ngày tới, sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật và tổ chức, (công dân) sẽ có thể ra khỏi nhà nếu được cho phép, theo các quy định do chính quyền Moskva ban hành". Trong trường hợp không được cho phép, công dân sẽ không thể rời khỏi nơi cư trú.
Để theo dõi hoạt động đi lại của người dân Moskva, Thị trưởng Sobyanin cho biết một hệ thống thông minh đặc biệt giám sát chế độ "cách ly" tại nhà sẽ được phát triển trong tuần tới.
Trước đó, chính quyền thủ đô Moskva thông báo, từ ngày 30/3, thủ đô nước Nga sẽ áp dụng chế độ "tự cách ly" đối với công dân mọi lứa tuổi. Người dân chỉ có thể rời nhà trong trường hợp cấp cứu và những trường hợp trực tiếp đe dọa tới tính mạng và sức khỏe khác; đi làm bắt buộc; mua sắm tại cửa hàng hoặc hiệu thuốc gần nhất; đưa vật nuôi đi dạo cách nhà không quá 100m; và đổ rác.
Chế độ "tự cách ly" đối với mọi cư dân tỉnh Moskva cũng được Thống đốc tỉnh Andrei Vorobyov công bố bắt đầu từ 20h00 ngày 29/3 tức 0h00 30/3 theo giờ Việt Nam.
* Theo hãng thông tấn Séc (CTK), do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số người lây nhiễm tăng nhanh, chính phủ Séc sẽ kéo dài lệnh hạn chế đi lại thêm ít nhất 1 tuần, đến ngày 8/4, và tình trạng khẩn cấp có thể thêm 1 tháng đến giữa tháng 5. Tuy nhiên, quyết định này còn cần được Hạ viện thông qua.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Praha, tính đến 22h30 ngày 29/3 theo giờ địa phương, số người mắc COVID-19 tại Séc đã lên đến 2.805 người, tăng 148 người so với trước đó 1 ngày. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong tại Séc lên 16 người. Đến nay đã có trên 40.000 người được xét nghiệm và 11 người được chữa khỏi.
Chính phủ Séc cũng quyết định, từ ngày 30/3 các viện dưỡng lão chỉ được tiếp nhận những người xét nghiệm âm tính với COVID-19 và phải cách ly riêng trong 14 ngày, đồng thời đang xem xét nới lỏng cho một số dịch vụ khác được phép hoạt động như cắt tóc…
Cùng ngày, Đài phát thanh quốc tế Praha cho biết Séc đã viện trợ 20.000 bộ trang phục bảo hộ phòng chống dịch COVID-19 cho Tây Ban Nha và Italy, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Séc cũng viện trợ hai nước trên khẩu trang chất lượng cao do Đại học kỹ thuật Séc vừa mới chế tạo theo công nghệ in 3D và khẩu trang thường do công ty Nanologix của Séc sản xuất.
* Cũng trong ngày 29/3, chính phủ của tân Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã công bố kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 với gói cứu trợ kinh tế lên tới 1 tỷ Euro/tháng. Tân Bộ trưởng Tài chính Slovakia Eduard Heger cho biết đây sẽ là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này.
Theo đó, nhà nước sẽ trả 80% tiền lương cho người lao động làm việc tại các công ty bị buộc phải đóng cửa. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ hỗ trợ người kinh doanh cá thể và người lao động làm việc trong các công ty bị thiệt hại do tác động của dịch bệnh COVID-19. Số tiền hỗ trợ căn cứ vào mức độ giảm doanh thu thực tế của các công ty. Các công ty bị giảm 40% doanh thu cũng được hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và một số loại thuế.
* Chính phủ Thụy Sĩ ngày 29/3 cho biết số ca mắc COVID-19 tại Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein đã tăng thêm 1.123 trường hợp nâng tổng số ca mắc lên 14.336. Tất cả các bang tại Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein đều bị ảnh hưởng.
Thụy Sĩ đã tiến hành xét nghiệm 111.000 người kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được xác nhận hôm 24/2, trong đó 13% cho kết quả dương tính. Số người thiệt mạng vì COVID-19 hiện là 257 trường hợp.
* Tại Romania, kênh truyền hình Digi 24 cho biết đã có thêm 308 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 28/3, nâng tổng số người mắc lên 1.760 người, trong đó có 38 ca tử vong.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Áo cho biết số người mắc tại nước này tăng hơn 500 người, nâng tổng số ca mắc lên 8,536 ca, trong tổng số 46.441 trường hợp được xét nghiệm. Số người thiệt mạng đã tăng từ 18 lên 86, trong khi đã có 479 trường hợp bình phục.