NguNgw
Vấn đề này đã đẩy Chính phủ Ba Lan vào một cuộc xung đột gay gắt với Tòa án hiến pháp.
Tòa thị chính Warsaw ước tính khoảng 50.000 người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập bên ngoài Tòa án hiến pháp trong ngày 12/3. Cuộc biểu tình xảy ra một ngày sau khi các chuyên gia pháp lý của Hội đồng châu Âu cho rằng một loạt biện pháp cải cách liên quan tới tòa án của Chính phủ Ba Lan sẽ làm xói mòn tính dân chủ khiến Tòa án Hiến pháp Ba Lan không thể hoạt động như một cơ quan giám sát tính hợp hiến của các quyết định do chính phủ cánh hữu mới cầm quyền tại nước này đưa ra, đồng thời vi phạm quy định luật pháp nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Hàng chục nghìn người đổ xuống đường ở Warsaw. Ảnh: AFP |
Trong các luật mới gây tranh cãi liên quan tới tòa án được Tổng thống Andrzej Duda ký ban hành ngày 28/12/2015, có điều khoản yêu cầu các vụ kiện phải do một ban hội thẩm gồm ít nhất 13 trong số 15 thẩm phán của tòa án tham gia xét xử. Một điều khoản khác lại yêu cầu phán quyết của tòa phải nhận được 2/3 tỷ lệ ủng hộ mới có hiệu lực, nhiều hơn mức đa số tương đối hiện nay. Tòa Hiến pháp Ba Lan hôm 9/3 đã ra phán quyết bác bỏ các luật cải cách này vì cho rằng chúng sẽ làm tê liệt chức năng của tòa hiến pháp, và vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Ba Lan.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới ngày 12/3, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Rafal Bochenek giải thích việc không công bố phán quyết của tòa án hiến pháp là vì phán quyết đó không có cơ sở pháp lý.
Kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng 10/2015, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã phải đối mặt với những luồng chỉ trích cả trong nước và quốc tế khi đưa ra một số luật mới gây nhiều tranh cãi và khẳng định luật sẽ được công nhận bất chấp phán quyết của tòa án.