Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 25/7, tân Thủ tướng Johnson đặc biệt nhấn mạnh việc loại bỏ hoàn toàn điều khoản “rào chắn” là mục tiêu chính trong các cuộc đàm phán tới đây với EU về Brexit. Ông khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ phiên bản nào của kế hoạch dự phòng biên giới Ireland mà ông cho rằng sẽ ràng buộc nước Anh với EU cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại lâu dài.
Trong khi đó, EU kiên quyết lập trường cho rằng kế hoạch dự phòng này là không thể thiếu để tránh một đường biên giới "cứng" trên đảo Ireland giữa CH Ireland thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh. Điều khoản "rào chắn" cho phép duy trì đường biên giới mở với Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất và là nguyên nhân chủ yếu khiến thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng Anh Theresa May bị bác bỏ tới 3 lần tại Quốc hội Anh.
Trả lời báo giới ngày 26/7, Ngoại trưởng Coveney cho rằng những tuyên bố của tân Thủ tướng Anh "không giúp ích" cho tiến trình Brexit. Ông cũng nói rằng nhà lãnh đạo mới của London có vẻ vừa đưa ra quyết định cố ý đặt nước Anh vào vị thế đối đầu với EU và với Ireland trong tiến trình đàm phán Brexit. Theo Ngoại trưởng Coveney, cách tiếp cận nói trên của tân Thủ tướng Johnson sẽ không dẫn đến một thỏa thuận về Brexit.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà chế tạo và kinh doanh ô tô, ông Mike Hawes đã viết thư gửi Thủ tướng Johnson, trong đó cảnh báo Brexit không thỏa thuận đe dọa ngành công nghiệp này của Anh. Ông nêu rõ nước Anh đang hội nhập sâu rộng với châu Âu, do đó Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn đến mức thuế xuất nhập khẩu cao, làm gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như tiếp tục giảm sự tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế tại Anh.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh hôm 25/7, ông Johnson tuyên bố sẽ đàm phán về một thỏa thuận Brexit mới, đồng thời đe dọa nếu EU từ chối, ông sẽ đưa Anh ra khỏi liên minh vào ngày 31/10 tới mà không cần có thỏa thuận về quan hệ tương lai.