Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra các đặc điểm lâm sàng khác nhau của bệnh, việc phát hiện và khả năng đáp ứng thuốc ở 7 bệnh nhân được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Anh trong giai đoạn 2018 - 2021 thông qua đánh giá hồ sơ hồi cứu. Nghiên cứu đã đánh giá tất cả hồ sơ của những người mắc bệnh được quản lý tại các trung tâm chuyên về bệnh truyền nhiễm ở Liverpool, London, and Newcastle.
Tất cả 7 bệnh nhân này đều trẻ tuổi, không có bệnh lý nền. 4 người trong số này mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước ngoài, trong khi 3 người mắc bệnh trong nước. Cả 7 bệnh nhân đều có các tổn thương da khác nhau, bao gồm các nốt sẩn, mụn nước, mụn mủ, loét và vảy. 3 bệnh nhân đầu tiên trong năm 2018 được điều trị bằng brincidofovir đường uống. Bệnh nhân mắc bệnh năm 2021 được điều trị bằng thuốc tecovirimat. Nghiên cứu kết luận dù các phác đồ điều trị và kiểm soát nhiễm trùng tối ưu đối với bệnh đậu mùa khỉ hiện vẫn chưa có, song dữ liệu ban đầu cho thấy brincidofovir ít phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các nghiên cứu trước đó về tecovirimat trên bệnh đậu mùa khỉ ở người vẫn được đảm bảo.
Theo các nhà nghiên cứu, diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là một thách thức, cần nhiều nguồn lực để kiểm soát. Nghiên cứu khuyến nghị các nhân viên y tế trên toàn cầu cần cảnh giác trước nguy cơ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ từ các du khách nhập cảnh.
Trong khi đó, Tiến sĩ Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết ở thời điểm hiện tại, WHO không tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ dẫn đến một đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Trong tuyên bố, bà Lewis cũng cho hay hiện vẫn thể xác định những người bệnh không triệu chứng có thể làm lan truyền virus đậu mùa khỉ hay không. Theo thống kê, trong tháng 5, thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp nghi ngờ và được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, chủ yếu là ở châu Âu. WHO đang xem xét liệu xu hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.
Bệnh đậu mùa khỉ được biết đến từ hơn 40 năm trước, là một loại bệnh lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người. Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ do lần đầu tiên được các chuyên gia của Đan Mạch phát hiện trên loài khỉ (macaques) từ năm 1958. Khoảng 12 năm sau, những trường hợp đầu tiên phát bệnh ở người được phát hiện tại CHDC Congo thuộc Tây Phi. Các nhà khoa học cho rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi tiếp xúc gần với khỉ, chuột hoặc các loài gặm nhấm khác ở các khu rừng phía Nam sa mạc Sahara. Virus cũng có thể lây từ người sang người.
Trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này, Anh là nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca mắc ngày 7/5.
Theo Cố vấn y tế của Cơ quan Y tế Anh Susan Hopkins, nước này đã phát hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng mà không có yếu tố liên quan đến khu vực Tây Phi, nơi được cho là nguồn gốc của căn bệnh này. Căn bệnh với biểu hiện ban đầu là sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi hay sưng hạch bạch huyết này cũng đã lây lan ra nhiều nước khác ở châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông. Theo các nhà khoa học, bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong và trẻ em nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ bị nặng hơn.