Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Y học New England, được tiến hành với 1,2 triệu người ở Israel, trong các điều kiện cuộc sống thực. Chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Y Harvard, một trong các đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Ben Reis cho biết: "Đây là bằng chứng lớn đầu tiên về mức độ hiệu quả của một vaccine trong các điều kiện cuộc sống thực".
Nghiên cứu trên cũng cho thấy vaccine trên có khả năng bảo vệ mạnh mẽ - một nhân tố quan trọng trong việc phá vỡ con đường lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong nghiên cứu trên, 600.000 người đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, 600.000 người không được tiêm nhưng đáp ứng các điều kiện tương đương như những người được tiêm về tuổi tác, giới tính, nơi sinh sống, các đặc điểm y học...
Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine này có hiệu quả 94% đối với các trường hợp có triệu chứng sau khi tiêm đủ hai liều, tương đương mức 95% được ghi nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo thống kê của hãng tin AFP, hơn 217 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech đã được tiêm trên toàn cầu, đa phần ở các nước có thu nhập cao. Hy vọng đang ngày càng lớn rằng việc tiêm phòng sẽ cho phép thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, khiến trên 113 triệu người nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo đại dịch còn chưa kết thúc khi toàn thế giới chưa được tiếp cận với vaccine.
Tin tốt lành về hiệu quả thực tế khá cao của vaccine được công bố trong bối cảnh ngày 24/2, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên được nhận vaccine theo cơ chế phân phối công bằng vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối, mở đường cho các nước nghèo theo kịp các nước giàu trong cuộc đua vaccine. COVAX đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vào cuối năm nay, đặc biệt cho 92 nước nghèo.