Hiệp ước Hiến chương Năng lượng được ký kết vào năm 1994 và có hiệu lực vào năm 1998. Theo hiệp ước này, các công ty trong ngành năng lượng có thể khởi kiện chính phủ về các chính sách ảnh hưởng đến đầu tư của công ty.
Trong những năm gần đây, một số công ty năng lượng đã sử dụng hiệp ước này để phản đối việc chính phủ thực hiện chính sách yêu cầu đóng cửa các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, tháng 7/2023, Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải rút khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng do hiệp ước này "không còn phù hợp" với "tham vọng khí hậu" của khối.
Theo quy định, EU sẽ chính thức rút khỏi hiệp ước sau khi Nghị viện châu Âu và 27 nước thành viên của liên minh "bật đèn xanh". Hiện đã có 11 nước tuyên bố hoặc hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước, trong đó có Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Ba Lan. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước, như Hungary, Malta và Slovakia - muốn tiếp tục là thành viên, ủng hộ việc sửa đổi hiệp ước.
Trong một tuyên bố, nghị sĩ Christophe Grudler, người dẫn đầu cuộc vận động tại Nghị viện châu Âu, nhấn mạnh động thái trên là “dấu hiệu tập thể" giúp củng cố lộ trình khí hậu của EU.