Lệnh cấm khai thác Bắc Cực với 483 phiếu ủng hộ so với 100 phiếu chống và 37 phiếu trắng, đã cho thấy tâm lý lo ngại ngày càng dâng cao ở các nước châu Âu về tương lai của khu vực Bắc Cực khi mà biển ở đây ngày càng ấm lên và lượng băng ngày càng giảm.
Đặc biệt, cân nhắc mực độ nguy hại từ việc khai thác nguyên liệu hóa thạch, các nghị sĩ đã kêu gọi một lệnh cấm khoan khai thác dầu mỏ ở vùng biển Bắc Cực của Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Ngoài ra, các nghị sĩ cũng lưu ý rằng sử dụng nguyên liệu hóa thạch cũng đang thúc đẩy sự biến đổi khí hậu với xu hướng nóng dần lên.
Theo Trung tâm Dữ liệu băng tuyết Mỹ (NSIDC), diện tích băng ở biển Bắc Cực đang giảm với tốc độ nhanh “chóng mặt” trong mấy thập kỷ qua, khi mà lượng băng phủ tối thiểu ở đây đang ở mức thấp hơn bốn lần trong vòng 13 năm qua. Ngoài ra, NSIDC cũng cho biết thêm rằng năm 2016 là năm nóng nhất ở biển Bắc Cực.
Số liệu từ Cơ quan Môi trường châu Âu chỉ ra rằng mỗi năm khoảng hơn 280 tấn băng Bắc Cực đã tan mất trong giai đoạn 2013-2015. Băng tan đã đưa đến những cơ hội cũng như các nguy cơ mới, như mở ra những tuyến đường vận tải mới và nguồn tài nguyên trước đây không thể khai thác nay có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Theo văn bản của cuộc họp về các yêu sách thềm lục địa Bắc Cực của EP diễn ra đầu năm nay, những tuyến hàng hải mới sẽ giúp giảm 40% thời gian di chuyển giữa châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, trong phiên họp ngày 16/3 các nghị sĩ lại bày tỏ sự quan ngại về những thách thức đối với an ninh và môi trường, và đòi hỏi có những biện pháp để bảo vệ hệ sinh thái độc đáo và dễ bị hủy hoại ở Bắc Cực.
Khoảng 4 triệu cư dân tại vùng Bắc Cực với hệ sinh thái thực vật và động vật, sẽ là những đối tượng chịu tác động xấu đầu tiên từ hậu quả tiêu cực của mức độ gia tăng ô nhiễm.