Theo hãng tin Reuters (Anh), đối với những người dẫn livestream như Zhang, cô phải dành 6 tiếng mỗi ngày để trò chuyện gần như không ngừng nghỉ trước máy quay phim, làm tóc, trang điểm và giải đáp các thắc mắc của khách hàng sau khi ngừng phát trực tiếp.
Với lịch trình làm việc dày đặc, Zhang đang nỗ lực viết nên câu chuyện khởi nghiệp thành công bằng nghề bán hàng livestream trên các nền tảng - như Tmall, Taobao của Alibaba và Douyin của Bytedance, tương tự TikTok tại Trung Quốc. Công việc này đang bùng nổ trong bối cảnh hàng triệu thanh niên Trung Quốc phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, ở mức hơn 21%.
“Tỷ lệ gia nhập ngành bán hàng livestream là rất thấp. Dù tôi có thể nhấc điện thoại lên và phát trực tiếp một cách dễ dàng. Song thế nào để nổi bật mới khó. Ngành này có tính cạnh tranh cao, nhưng nếu cố gắng kiên trì, bạn có thể ngày càng tốt hơn. Có nổi bật hay không chỉ là vấn đề về trí tuệ và năng lực của mình”, Zhang chia sẻ.
Tuy nhiên, cô gái trẻ 28 tuổi này không phải là người duy nhất quyết tâm khởi nghiệp từ nghề dẫn livestreams. Một cuộc khảo sát được thực hiện trên 10.000 thanh niên trên nền tảng mạng xã hội Sina Weibo vào tháng trước cho thấy ít nhất 60% người được hỏi cho biết họ muốn trở thành người có ảnh hưởng trên Internet hoặc người dẫn chương trình livestream.
Theo iResearch, tính từ năm 2020 đến nay, ngành công nghiệp livestream đã sử dụng 1,23 triệu máy chủ. Sự bùng nổ trào lưu bán hàng phát trực triếp trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã giúp ngành này tạo ra doanh thu 480 tỷ USD ở Trung Quốc vào năm 2022.
Để tạo điều kiện cho nghề bán hàng livestream ngày càng chuyên nghiệp và cạnh tranh, nhiều đại lý đã mọc lên để đào tạo người dẫn chương trình trẻ và kết nối người dẫn chương trình phù hợp với các thương hiệu.
Cô Zhang đã hợp tác với Romomo - đại lý có trụ sở tại Thượng Hải, chi nhánh của đối tác thương hiệu Buy Quick. Đại lý này đã giúp Zhang liên kết với các thương hiệu nổi tiếng như Lancome và Under Armour, với 150 người dẫn livestream toàn thời gian.
Phó Giám đốc Romomo, bà Shining Li, cho biết: “Ngày nay, phát trực tiếp là một trong những phương thức giao tiếp quan trọng nhất của các thương hiệu quốc tế mà chúng tôi hợp tác. Hoat động này không chỉ hỗ trợ tăng doanh thu mà còn giúp quảng bá giá trị thương hiệu và sản phẩm của họ một cách rất hiệu quả”.
Và đúng như vậy, các thương hiệu đã nhanh chóng tiếp cận với livestream ở Trung Quốc. Người bán hàng livestream ban đầu tập trung vào doanh số thông qua giảm giá sâu, trò chuyện với người xem từ đó đạt mục tiêu thu hút người tiêu dùng dài hạn.
Đối với người dẫn chương trình livestream Shi Jianing, 28 tuổi, xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng trong các buổi phát sóng bán sản phẩm của các thương hiệu như Hugo Boss chính là chìa khóa thành công trong kinh doanh.
“Chúng tôi giống như bạn của người tiêu dùng. Nếu bạn có thể giao tiếp với khách hàng dựa trên một mối quan hệ, điều đó sẽ gây dựng lòng tin và mối quan hệ đó khiến người tiêu dùng muốn mua sản phẩm của bạn”, cô Jianing nói.